Nồi chiên không dầu nguy hại không?
Nồi chiên không dầu giảm nguy cơ hình thành chất độc acrylamide, chất có khả năng gây ung thư, với điều kiện nồi sản xuất theo tiêu chuẩn, người dùng đúng cách.
Nồi chiên không dầu, còn gọi là nồi chiên không khí, làm chín thức ăn bằng cách đưa nhiệt độ lên cao, có thể tới 200 độ C, sau đó dùng cánh quạt tản nhiệt đều trên bề mặt thực phẩm, giúp thực phẩm chín và có bề ngoài giòn giống cách chiên rán bằng dầu mỡ truyền thống. Trong quá trình nấu, nó loại bỏ nhiều mỡ và dầu trong thực phẩm.
Với loại nồi này, chỉ cần dùng một thìa dầu bôi bên ngoài đồ ăn, bạn có thể cho ra thành phẩm có màu sắc, hương vị tương tự như khi rán ngập cả chảo dầu. Giống như nhiều cách nấu khác, nồi chiên không dầu kích hoạt một phản ứng hóa học – hiệu ứng Maillard – làm cải thiện màu sắc và mùi vị của thực phẩm.
Phó giáo sư, tiến sĩ Trần Hồng Côn, Khoa Hóa, Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội, cho biết về nguyên lý hoạt động, nồi chiên không dầu có nhiều lợi ích. Quan trọng nhất là nó làm giảm nguy cơ hình thành chất độc acrylamide – một chất nhựa tổng hợp có khả năng gây ung thư ở người.
Phó giáo sư phân tích, acrylamide không có trong thực phẩm chưa qua chế biến, hoặc hàm lượng rất thấp trong các thực phẩm chế biến nhiệt độ thấp hơn như hấp, luộc. Tuy nhiên trong quá trình chế biến thực phẩm ở nhiệt độ cao (hơn 120 độ C) như chiên, nướng, quay, acrylamide sẽ hình thành. Các nghiên cứu chỉ ra acrylamide đặc biệt có ở những thực phẩm giàu carbohydrate như khoai tây chiên và hạt ngũ cốc. Acrylamide liên quan đến sự hình thành một số dạng ung thư, như tử cung, vú, tụy…
Vì vậy, về nguyên lý, khi chuyển từ chiên ngập dầu sang nồi chiên không khí sẽ có thể hạ thấp nguy cơ ăn phải acrylamide, giảm nguy cơ ung thư.
“Tuy nhiên, chúng ta không thể biết được vật liệu sản xuất nên nồi chiên không dầu là gì. Điều này sẽ gây ra nhiều nghi ngờ cho người sử dụng”, phó giáo sư cho biết.
Thực tế, chưa có nghiên cứu phân tích các sản phẩm này trên thị trường. Các nghiên cứu về ảnh hưởng của nồi chiên không dầu hiện rất ít và chưa có kết luận cuối cùng về khả năng biến đổi thực phẩm thành chất gây ung thư của nó.
Phó giáo sư nói: “Có thể cùng một loại nhựa chống dính, nhưng loại dùng trong chế biến thực phẩm thì giá cao bởi chúng đã được thải trừ hết tất cả chất độc, còn có loại nhựa polyacrylamide, dùng trong công nghiệp, xây dựng, thì không cần loại bỏ chất độc. Vì vậy, câu hỏi là sản phẩm đó có đạt tiêu chuẩn dùng trong thực phẩm không?”.
Nồi chiên không dầu được sản xuất theo tiêu chuẩn, có đăng ký bản quyền, giấy phép kinh doanh, được quyền sản xuất, thì không gây hại cho sức khỏe con người.
Nhiều ý kiến khác cho rằng dù làm giảm khả năng sinh chất độc acrylamide, nhưng các chất độc hại tiềm ẩn khác vẫn có thể hình thành trong nồi chiên không dầu, như hydrocarbon thơm đa vòng. Chuyên gia cho biết, đây là chất gần giống than hoạt tính, có khả năng gây ung thư ở nhiệt độ cao. Tuy nhiên, loại nồi chiên không dầu này rất khó cháy hơn khi chiên, rán thông thường. Vì vậy, sử dụng đúng hướng dẫn về thời gian chiên, hàm lượng thực phẩm… sẽ không làm sản sinh ra chất độc gây hại.
Người hay ăn đồ chiên rán, có nguy cơ gây béo phì, chế biến thức ăn bằng nồi chiên không khí giúp cơ thể giảm mạnh lượng chất béo ăn vào thường xuyên, từ đó giúp giảm cân.
Chuyên gia khuyến cáo, nồi chiên không dầu có thể nấu thức ăn an toàn hơn nhưng vẫn là hình thức chiên, vẫn gây ra các vấn đề cho sức khỏe. Chuyên gia lưu ý nên hạn chế ăn thực phẩm chiên nói chung dù chiên bằng hình thức nào. Đa dạng loại thực phẩm, đa dạng cách nấu sẽ giúp bạn có chế độ ăn tốt hơn.
- Lấy người bệnh làm trung tâm và ưu tiên hàng đầu trong thực hiện chính sách BHYT
- How to find Asian Wedding brides For Matrimony
- Vì sao WHO và các chuyên gia y tế khuyến cáo giảm tiêu thụ đồ uống có đường?
- 55 ngày Việt Nam không ghi nhận ca tử vong do COVID-19; hiện còn 3 bệnh nhân nặng đang điều trị;
- ‘Nữ hoàng’ không có đối thủ ở dòng phim cổ trang