Trao đổi với Báo Pháp luật Việt Nam nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27/2/1955 – 27/2/2023), Thứ trưởng Bộ Y tế, PGS.TS Nguyễn Thị Hương Liên đã thẳng thắn nhìn nhận những khó khăn ngành Y tế đang gặp phải cũng như khẳng định quyết tâm vượt khó của toàn ngành để triển khai một nền y tế tiên tiến, hiện đại vì sức khỏe nhân dân.
Năm 2022, ngành Y tế gặp phải không ít khó khăn, tác động tiêu cực tới dịch vụ khám chữa bệnh, chăm sóc sức khỏe người dân. Thứ trưởng có thể nêu ra những biện pháp chủ đạo trong thời gian tới để nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở y tế?
– Năm vừa qua, ngành Y tế gặp phải không ít khó khăn, nhưng cũng là năm chúng ta khống chế hiệu quả dịch COVID-19 sau gần ba năm đại dịch. Trong năm, toàn ngành đạt được những chỉ tiêu ấn tượng, số lượt khám bệnh ngoại trú bảo hiểm y tế đạt trên 52 triệu; số lượt điều trị nội trú bảo hiểm y tế đạt trên 5,5 triệu; số ngày điều trị nội trú tương đương gần 70% so với cùng kỳ năm 2019. Đây thực sự là cố gắng của các cơ sở khám, chữa bệnh trong điều kiện thiếu thuốc, trang thiết bị, vật tư tiêu hao, nhân lực biến động.
Lĩnh vực khám chữa bệnh, cũng ghi nhận nhiều thành tựu như Bệnh viện Trung ương Huế xác lập cùng lúc 2 kỷ lục trong lĩnh vực ghép tạng là ghép tim với thời gian mổ ngắn nhất và thời gian tim đập lại cũng ngắn nhất. Quả tim được lấy từ người hiến tạng chết não tại Bệnh viện Nhân dân Gia Định (TP HCM), vận chuyển đến Huế an toàn. Chỉ sau 1 giờ 20 phút phẫu thuật, tim đã đập lại trong lồng ngực người nhận tạng.
Thành tựu ghép tạng Việt Nam còn ghi nhận trường hợp hiếm có trên thế giới đó là ca ghép phổi thành công toàn diện, khỏe mạnh sau hơn 2 năm ghép. Ca ghép do Bệnh viện Phổi Trung ương phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 thực hiện. Chúng ta đã nuôi dưỡng thành công cặp song sinh non tháng nặng 500g.
Khắc phục những khó khăn và phát huy những kết quả đạt được từ năm 2022, năm 2023, toàn hệ thống tiếp tục triển khai các giải pháp nâng cao chất lượng khám chữa bệnh trong các cơ sở khám chữa bệnh để góp phần phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội của đất nước sau đại dịch COVID-19. Bộ tiêu chí chất lượng bệnh viện, nâng cao chất lượng dịch vụ các tuyến, thực hiện đồng bộ các giải pháp để giảm quá tải bệnh viện, xây dựng chính sách gắn kết quả đánh giá chất lượng với giá dịch vụ y tế, bảo hiểm y tế. Xây dựng và trình ban hành Đề án về Tổ chức kiểm định, đánh giá độc lập chất lượng dịch vụ khám chữa bệnh…
Bên cạnh đó, Bộ Y tế tập trung xây dựng hướng dẫn chuyển đổi số khám chữa bệnh, quy trình triển khai bệnh án điện tử, bảo mật, an ninh an toàn dữ liệu; sửa đổi tiêu chí đánh giá chất lượng bệnh viện theo hướng chuyển đổi số; đồng thời xây dựng cơ chế tài chính hỗ trợ chuyển đổi số khám chữa bệnh, hướng dẫn lập dự án đầu tư công nghệ thông tin… Tiếp tục hoàn thiện các nền tảng số: Hồ sơ sức khoẻ điện tử, Trạm Y tế xã, Khám chữa bệnh từ xa, Kê đơn thuốc điện tử…
Năm 2023 Luật KBCB sửa đổi, các cơ sở khám chữa bệnh cùng với Bộ Y tế xây dựng và góp ý các văn bản dưới luật để đưa Luật KBCB đi vào cuộc sống, góp phần tạo ra những thay đổi tích cực cho hệ thống khám bệnh, chữa bệnh.
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Hương Liên. |
Sau đợt dịch COVID-19, trước tình trạng các bác sĩ giỏi chuyển sang khu vực tư nhân làm vì không đủ thu nhập, ngành Y tế có những chính sách và chiến lược gì để đảm bảo mức sống cho các bác sĩ, nhân viên y tế ở khu vực bệnh viện công, thưa Thứ trưởng?
– Bộ Y tế đã có Tờ trình số 1153/TTr-BYT ngày 05/8/2021 và Tờ trình số 2072/TTr-BYT ngày 15/12/2021 về giải pháp thực hiện chính sách đối với đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, cô đỡ thôn bản. Đề nghị Chính phủ sớm ban hành Nghị quyết để đáp ứng việc duy trì đội ngũ nhân viên y tế thôn bản, nhất là trong giai đoạn hiện nay.
Khi xây dựng chế độ tiền lương mới, Bộ Y tế đề nghị thực hiện phụ cấp theo nghề mức cao nhất đối với viên chức ngành Y tế (30% tổng thu nhập) theo Nghị quyết số 27-NQ/TW ngày 21/5/2018 của Hội nghị lần thứ bảy BCHTW Khóa XII về cải cách chính sách tiền lương đối với cán bộ, công chức, viên chức, lực lượng vũ trang và người lao động trong doanh nghiệp để bảo đảm quyền lợi của cán bộ, viên chức, người lao động ngành Y tế phù hợp với các nghị quyết, kết luận của Bộ Chính trị, Ban Bí thư Trung ương Đảng và chức danh bác sĩ, bác sĩ y học dự phòng, dược sĩ đề nghị xếp lương bậc 2 đối với tất cả các hạng chức danh.
Đặc biệt, Bộ Y tế đã trình Chính phủ ký ban hành Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP để điều chỉnh chế độ phụ cấp ưu đãi nghề đối với cán bộ y tế dự phòng và y tế cơ sở lên mức 100% theo trình tự thủ tục rút gọn.
Vấn đề chuyển đổi số được Chính phủ đánh giá là một trong những mục tiêu trọng tâm yêu cầu bộ ngành, địa phương phải triển khai mạnh, có hiệu quả trong thời gian tới. Xin hỏi Thứ trưởng, ngành Y tế tiếp tục chuyển đổi số như thế nào để giữ vững thành quả đã có và còn tiếp tục phát triển, ứng dụng vào công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân?
– Về vấn đề này, Bộ Y tế đã và đang làm rất tốt chỉ đạo của Chính phủ. Trong những ngày cuối của năm 2022, Bộ Y tế đã ban hành Quyết định số 5316/QĐ-BYT về Chương trình chuyển đổi số y tế, với định hướng tới năm 2030 công nghệ số được ứng dụng trong hầu hết các hoạt động, dịch vụ của ngành Y tế, hình thành nền y tế thông minh với ba nội dung chính là phòng bệnh thông minh, khám chữa bệnh thông minh và quản trị y tế thông minh. Bên cạnh đó, Bộ sẽ tiếp tục hoàn thiện hành lang pháp lý, tạo thuận lợi cho các đơn vị trong ngành Y tế triển khai chuyển đổi số.
Thời gian tới, Bộ Y tế sẽ thúc đẩy triển khai: Hồ sơ bệnh án điện tử tiến tới không sử dụng bệnh án giấy; Hệ thống lưu trữ và chẩn đoán hình ảnh y khoa tiến tới không sử dụng phim nhựa; Đăng ký và tư vấn, khám chữa bệnh từ xa; Thanh toán viện phí không dùng tiền mặt. 100% các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh Hạng I trở lên chủ động nâng cấp hệ thống công nghệ thông tin tại cơ sở để triển khai thực hiện khám chữa bệnh không giấy, trong đó hồ sơ bệnh án điện tử phải đáp ứng không sử dụng bệnh án giấy. Tất cả dữ liệu sức khỏe người dân được hình thành trong các đợt khám, chữa bệnh sẽ được kết nối và chia sẻ với các kho dữ liệu hồ sơ sức khỏe theo quy định của pháp luật.
Về hồ sơ bệnh án điện tử, Bộ Y tế đã đặt ra lộ trình thực hiện bệnh án điện tử tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh thì đối với các bệnh viện hạng đặc biệt và hạng I thì chậm nhất đến 31/12/2023 phải hoàn thành triển khai bệnh án điện tử và các bệnh viện còn lại trên toàn quốc đến 2028 phải hoàn thành.
Xin cảm ơn Thứ trưởng!
Năm 2022, được sự quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo của Đảng, Quốc hội, Chính phủ, sự phối hợp của các bộ, ngành, địa phương, ngành Y tế nỗ lực hết sức trong điều kiện năng lực, nguồn lực của hệ thống y tế còn hạn chế và đã đạt được nhiều kết quả ấn tượng. Hoàn thành vượt chỉ tiêu kinh tế – xã hội chủ yếu năm 2022 được Quốc hội, Chính phủ giao, đạt 11,1 bác sĩ, 31 giường bệnh trên 10.000 dân, 92,03% dân số tham gia BHYT.
Bộ Y tế tập trung công tác hoàn thiện thể chế, trong đó được phê duyệt nhiều chính sách quan trọng trong phát triển ngành Y tế: Quốc hội thông qua Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi; Ban Bí thư Trung ương Đảng ban hành Chỉ thị số 17-CT/TW ngày 21/10/2022 về “Tăng cường bảo đảm an ninh, an toàn thực phẩm trong tình hình mới”; Thủ tướng Chính phủ ban hành Chỉ thị số 16/CT-TTg ngày 20/9/2022 về nâng cao công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân; chủ động thích ứng linh hoạt, góp phần phục hồi nhanh, phát triển bền vững…
Việt Nam là một trong các quốc gia có tỷ lệ bao phủ vaccine phòng COVID-19 cao nhất thế giới. Số tử vong do COVID-19 đã giảm mạnh từ tháng 4/2022 đến nay, hiện chỉ còn ghi nhận rải rác 1-2 ca tử vong mỗi ngày, có tuần không ghi nhận tử vong nào. Các dịch bệnh truyền nhiễm phổ biến được kiểm soát, chủ động giám sát, khoanh vùng xử lý 2 ca mắc đậu mùa khỉ, không để lây lan ra cộng đồng.
Xây dựng các đề án, dự án đầu tư phát triển y tế dự phòng, y tế cơ sở trong Chương trình phục hồi và phát triển KTXH, các Chương trình MTQG giai đoạn 2021-2025. Hoạt động khám bệnh, chữa bệnh thông thường từng bước phục hồi sau hơn 2 năm phòng chống dịch COVID-19.
Thực hiện đồng bộ các giải pháp để khắc phục tình trạng thiếu thuốc, trang thiết bị y tế tại các cơ sở khám bệnh, chữa bệnh: Xây dựng, trình Chính phủ ban hành Nghị quyết về việc bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế và thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh BHYT. Phối hợp với bộ, cơ quan liên quan để rà soát, đề xuất sửa đổi hoặc làm rõ các văn bản pháp luật liên quan đến mua sắm đấu thầu. Đẩy nhanh việc cấp mới, gia hạn, duy trì giấy đăng ký lưu hành, giấy phép nhập khẩu thuốc, trang thiết bị y tế.
Tiếp tục phát triển mạng lưới các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, xây dựng các chuẩn năng lực nghề nghiệp, chuẩn chương trình đào tạo lĩnh vực sức khỏe…