Hơn 500 thí sinh ở nhiều trường đại học, cao đẳng trên cả nước đã trúng tuyển viên chức y tế tại Bình Dương. Đây được cho là nguồn nhân lực bổ sung cho ngành y tế ở Bình Dương trong năm 2023 khi Bệnh viện 1.500 giường đi vào hoạt động.
Hơn 500 người trúng tuyển viên chức y tế tại Bình Dương
Ngày 21.1, UBND tỉnh Bình Dương cho biết, Sở Nội vụ tỉnh Bình Dương đã thông báo kết quả xét tuyển và thời gian nhận công tác của thí sinh trúng tuyển viên chức sự nghiệp y tế và sự nghiệp khác tỉnh Bình Dương năm 2023.
Theo đó, đối với xét tuyển viên chức sự nghiệp y tế, tổng số thí sinh tham gia xét tuyển là 611 thì có 502 thí sinh trúng tuyển, không trúng tuyển là 109.
Theo Sở Y tế Bình Dương, thí sinh dự tuyển nộp hồ sơ để xét tuyển. Khi đủ điều kiện thì thi phỏng vấn nội dung về pháp lý và chuyên môn.
Các thí sinh trúng tuyển hầu hết trong độ tuổi từ 26-35 tuổi, được đào tạo trình đạo đại học và cao đẳng. Chuyên môn chủ yếu là bác sĩ đa khoa, điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật xét nghiệm y học, dược…
Theo UBND tỉnh Bình Dương, các thí sinh trúng tuyển bắt đầu nhận công tác tại đơn vị đăng ký dự tuyển kể từ ngày 1.2.2023.
Trước đó, trong 2 năm qua, Bình Dương cũng đối diện với làn sóng y bác sĩ nghỉ việc, khiến nhân lực y tế ngày càng thiếu hụt trong bối cảnh dân số tăng nhanh. Năm 2022, tỉnh cần phải tuyển dụng 800 chỉ tiêu viên chức y tế để bù đắp nhân lực cho ngành. Như vậy, so với chỉ tiêu tuyển dụng, vẫn còn thiếu hụt khoảng gần 300 viên chức y tế.
Hiện Bình Dương có 8.880 nhân viên y tế với tỷ lệ 7,51 bác sĩ/10.000 dân; số giường bệnh là 5.202 giường với tỷ lệ 20 giường/10.000 dân. Các tỷ lệ và chỉ tiêu này còn thấp so mục tiêu của Bộ Y tế đề ra. Công tác phát triển nhân lực trong thời gian qua còn có những bất cập so với yêu cầu hoạt động của ngành y tế, chưa tương xứng với sự phát triển kinh tế-xã hội của tỉnh….
Kỳ vọng Bệnh viện 1.500 giường sớm đi vào hoạt động
Bên cạnh việc thiếu hụt về nhân lực, cơ sở vật chất y tế tuyến tỉnh cũng có nhiều vấn đề đáng quan tâm. Bệnh viện đa khoa tỉnh xây dựng trước đây đã cũ, nhỏ hẹp so với quy mô phát triển của tỉnh. Trong khi đó, dự án mới (Bệnh viện 1.500 giường) sau nhiều năm thi công vẫn chưa hoàn thành.
Dự án này có vốn đầu tư khoảng 2.300 tỉ đồng, được hình thành từ năm 2012. Dự án bố trí vốn khởi công xây dựng phần móng từ cuối 2014 đến 2016 thì xong. Tuy nhiên, công trình sau đó ngưng thi công suốt gần 3 năm.
Đến đầu 2019 mới bắt đầu thi công trở lại và hứa hẹn đến khoảng tháng 6.2020 thực hiện xong bàn giao cho Sở Y tế. Do dịch bệnh và công tác mua sắm trang thiết bị gặp nhiều khó khăn nên dự án tiếp tục trễ hẹn. Thời gian thi công đã kéo dài 1,5 lần so với dự kiến.
Nguyên nhân chủ yếu là do chia nhỏ dự án thành nhiều gói thầu, thiếu tổng thầu, chuẩn bị đầu tư chưa tốt nên khi thực hiện phát sinh nhiều vấn đề… Bên cạnh đó, công tác tuyển dụng, thu hút đội ngũ y, bác sĩ làm việc tại các cơ sở y tế công lập gặp khó khăn dẫn đến chưa tuyển dụng đủ y, bác sĩ cho Bệnh viện.
UBND tỉnh Bình Dương cho biết, hiện đơn vị được giao làm chủ đầu tư đang phối hợp với ngành y tế đẩy nhanh tiến độ thi công, lắp ráp thiết bị máy móc. Bên cạnh đó thu hút đội ngũ y bác sĩ, kỳ vọng đưa Bệnh viện 1.500 giường vào hoạt động để chăm sóc sức khỏe nhân dân.