Cẩn trọng với bệnh tay chân miệng
Theo Cục Y tế dự phòng (Bộ Y tế), nắng nóng kéo dài làm bùng phát các bệnh lây truyền qua đường tiêu hóa, đường hô hấp như tiêu chảy do virus Rota, lỵ, thương hàn, sởi, cúm, sốt xuất huyết, viêm não do virus, bệnh viêm não do mô cầu, viêm não Nhật Bản, trong đó thời gian gần đây nổi lên bệnh tay chân miệng.
Ảnh minh hoạ. |
TS. Đỗ Thiện Hải, Phó giám đốc Trung tâm Bệnh nhiệt đới, Bệnh viện Nhi trung ương cho biết, năm nào vào dịp từ tháng 5 đến tháng 8, Bệnh viện cũng tiếp nhận nhiều ca mắc viêm não do virus, viêm màng não và viêm não Nhật Bản.
Trong đó, viêm não Nhật Bản thường để lại di chứng nặng nề nhất. Khai thác tiền sử bệnh cho thấy, đa phần trẻ nhập viện do viêm não đều không tiêm phòng vắc-xin viêm não Nhật Bản, thậm chí có tiêm nhưng bỏ mũi, không tiêm nhắc lại.
Tại các tỉnh phía Bắc cũng đã ghi nhận nhiều ca mắc tay chân miệng. Theo Bệnh viện Nhi trung ương, từ đầu năm đến nay, Bệnh viện điều trị cho hơn 100 ca tay chân miệng, đa số các ca đều nhẹ và khỏi bệnh sau đó, tuy nhiên một số trường hợp có diễn biến nhanh, nặng và gây biến chứng nguy hiểm.
Trong khi đó, Trung tâm Kiểm soát bệnh tật TP.HCM vừa đưa ra cảnh báo, số ca mắc tay chân miệng trên địa bàn đang có xu hướng tăng nhanh, trong khi ca mắc sốt xuất huyết bắt đầu vào mùa bệnh, khiến thành phố đối mặt nguy cơ dịch chồng dịch.
Kết quả giải trình tự virus 6 mẫu bệnh phẩm tay chân miệng tại TP.HCM cho thấy đều mắc chủng EV71 kiểu gene B5. Đây là type virus trong nhóm độc lực cao, gây bệnh nặng và lây nhiễm nhanh.
Thống kê từ Sở Y tế TP.HCM cho thấy, số ca tay chân miệng trong đầu tháng 6 cao hơn 2 lần so với hai tuần trước đó, trong đó một bé trai 5 tuổi tử vong.
Các bệnh viện nhi tại thành phố đang điều trị 20 – 25 ca tay chân miệng nội trú một ngày, trong đó có nhiều bệnh nhân nặng. Trong khi các tháng trước đó, chỉ trung bình 5 – 6 bệnh nhi nằm viện hoặc không có ca nào.
Trước tình hình trên, UBND TP.HCM vừa ban hành văn bản khẩn, giao Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ngành, đoàn thể triển khai đồng bộ các biện pháp phòng chống dịch bệnh tay chân miệng theo hướng dẫn của Bộ Y tế.
Chú ý các khu vực có nguy cơ cao lây lan dịch bệnh như: điểm trông giữ trẻ, trường mầm non, tiểu học, khu dân cư/khu nhà trọ có nhiều trẻ em.
Khi phát hiện có ca bệnh, cần xử lý ổ dịch kịp thời, hạn chế lây lan. Chuẩn bị sẵn sàng thu dung, điều trị bệnh tay chân miệng theo đúng hướng dẫn chẩn đoán, điều trị của Bộ Y tế; chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn biến phức tạp…
Sở Y tế TP.HCM cho biết đã thành lập tổ chuyên gia hỗ trợ hội chẩn những trường hợp bệnh nặng và tổ chức các đoàn kiểm tra tại các quận, huyện về công tác phòng chống dịch bệnh tay chân miệng.
Bên cạnh đó, các bệnh viện chuyên khoa nhi của TP.HCM đã sẵn sàng trang thiết bị hồi sức những trường hợp nặng (lọc máu, ECMO…) và thuốc điều trị theo phác đồ.
Tuy nhiên, để chủ động ứng phó khi tình hình dịch bệnh diễn tiến phức tạp, Sở Y tế TP.HCM đã có văn bản kiến nghị Bộ Y tế và Cục Quản lý dược hỗ trợ cung ứng đủ thuốc điều trị (chủ yếu là Pheno-barbital và Gamma globulin truyền tĩnh mạch).
Mới đây Bộ Y tế cho biết, theo hệ thống giám sát bệnh truyền nhiễm, từ đầu năm 2023 đến nay cả nước ghi nhận 8.995 trường hợp mắc tay chân miệng, trong đó đã có 3 trường hợp tử vong.
Bộ Y tế đã có văn bản gửi UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về tăng cường công tác phòng, chống dịch bệnh tay chân miệng.
Quan tâm chăm sóc sức khoẻ cho người cao tuổi
Ngày 8/6, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội thi điều dưỡng, kỹ thuật viên giỏi và giao tiếp tốt với sự tham gia của hàng trăm điều dưỡng, cán bộ y tế bệnh viện.
PGS.TS. Nguyễn Trung Anh, Giám đốc Bệnh viện Lão khoa Trung ương cho hay, hai năm một lần, Bệnh viện Lão khoa Trung ương tổ chức Hội thi điều dưỡng, kỹ thuật viên giỏi và giao tiếp tốt với mục đích tạo ra sân chơi cho cán bộ y tế, vừa giúp các anh em ôn tập kiến thức chuyên môn, vừa làm thay đổi không khí bận rộn hằng ngày.
Đây là hoạt động chào mừng Ngày Quốc tế điều dưỡng và hướng tới kỷ niệm 40 năm ngày truyền thống của Bệnh viện Lão khoa Trung ương.
Sau một thời gian chuẩn bị công phu, nghiêm túc, trách nhiệm, ban tổ chức Hội thi đã tổ chức thành công vòng 1 với nhiều kết quả rất tích cực, phản ánh sát với tình hình thực tế với chất lượng đội ngũ điều dưỡng, kỹ thuật viên của bệnh viện.
Hội thi là hoạt động bổ ích, là dịp để đội ngũ nhân viên y tế gắn kết, cập nhật và ôn lại kiến thức chuyên môn, có thêm kỹ năng giao tiếp ứng xử với người bệnh, người dân và đồng nghiệp, không ngừng nâng cao chất lượng công tác chăm sóc, phục vụ người bệnh.
Các tiết mục vào vòng 2 là những tiểu phẩm được chuẩn bị công phu, chuyên nghiệp với các tình huống được sân khấu hóa cho gần gũi, logic khoa học.
Hiện Bệnh viện có 180 điều dưỡng lâm sàng, phải chăm sóc khoảng 300 bệnh nhân nội trú, chưa thể triển khai chăm sóc toàn diện cho người bệnh cao tuổi.
Nếu triển khai làm đúng chăm sóc toàn diện cần thêm nhân lực là đội hỗ trợ chăm sóc chuyên về hoạt động chăm sóc cơ bản hàng ngày. Đây là nhu cầu tất yếu của xã hội cả thế giới và Việt Nam.
Do đó, ngành lão khoa rất mong đẩy nhanh tiến độ việc có được chức danh hỗ trợ chăm sóc người bệnh, cùng hệ thống nhân lực điều dưỡng để kiện toàn hóa nhóm chăm sóc người cao tuổi, đáp ứng nhu cầu già hóa dân số đang gia tăng nhanh chóng.
Nguồn: https://baodautu.vn
- Giấy chứng nhận an toàn thực phẩm là gì?
- 5 loại thịt ít cholesterol tốt cho sức khỏe bạn nên ăn
- Ngày mới với tin tức sức khỏe: Tác dụng tuyệt vời của việc đi bộ ngoài trời
- 2 đối tượng hưởng BHYT 100% theo quy định mới
- Số ca mắc COVID-19 tăng mạnh, ít nhất 4 địa phương BẮT BUỘC học sinh đeo khẩu trang khi đến trường