Hai bệnh nhân ở TP.HCM bị loãng xương lâu năm khiến cột sống biến dạng, gù hơn 60 độ không thể nằm ngửa, vừa được các bác sĩ phẫu thuật thành công.
Chú ý chăm sóc sức khỏe xương khớp
Theo đó, hai bệnh nhân cùng tới Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh TP.HCM khám trong tình trạng đau và biến dạng lưng, đi lại khó khăn trong nhiều năm.
Các bác sĩ đang phẫu thuật cho bệnh nhân. |
Một trong hai bệnh nhân kể, họ bắt đầu gặp tình trạng đau lưng vào năm 2019, dù điều trị bằng thuốc và tập vật lý trị liệu nhưng không cải thiện, ngày càng đau và cong người xuống, nằm khó.
Bệnh nhân đối mặt tình trạng nặng hơn, cột sống biến dạng nghiêm trọng, đốt sống lồi lên dưới da. Tình trạng này khiến bệnh nhân không thể ngồi tựa lưng hoặc nằm ngửa trong suốt nhiều năm qua.
Trực tiếp thăm khám và điều trị, BS.CKI Đào Phạm Thái Sơn, Khoa Cột sống, Trung tâm Chấn thương Chỉnh hình cho biết cả hai người bệnh đều bị loãng xương lâu năm nhưng không điều trị khiến chức năng cột sống suy giảm nghiêm trọng, dẫn đến xẹp đốt sống và gù lưng mức độ nặng, hơn 60 độ.
Bác sĩ Sơn nhận định cả hai người bệnh đều bị tổn thương cột sống nặng, cần can thiệp phẫu thuật mà không thể tiếp tục điều trị bảo tồn.
Tuy nhiên, vì người bệnh lớn tuổi, nếu mổ hở sẽ kéo dài thời gian phẫu thuật, làm tăng nguy cơ nhiễm trùng, mất máu… Ê kíp lựa chọn phẫu thuật bệnh bằng phương pháp bắt vít qua da, xâm lấn tối thiểu.
Ca phẫu thuật kéo dài khoảng 1 giờ, rút ngắn thời gian so với mổ hở thường mất khoảng 2 giờ. Điều này giúp làm giảm lượng thuốc mê đi vào cơ thể, người bệnh tránh được các nguy cơ như tổn thương gan thận, tổn thương thần kinh, mất máu nhiều hoặc đau nhiều sau mổ…
Ngày thứ hai sau phẫu thuật, hai bệnh nhân cho biết không còn đau, đi lại nhẹ nhàng mà không cần dụng cụ hỗ trợ. Đặc biệt, tình trạng gù lưng 60 độ được khắc phục gần như hoàn toàn, người bệnh có thể sinh hoạt thoải mái trong tư thế thẳng lưng, đồng thời cải thiện chiều cao. Người bệnh bắt đầu tập vật lý trị liệu. Thời gian điều trị tại bệnh viện kéo dài 5 ngày.
Bác sĩ Sơn khuyến cáo, loãng xương là một trong những nguyên nhân phổ biến gây lún xẹp đốt sống. Đối với người bệnh loãng xương ở mức độ trung bình, lún xẹp đốt sống thường do tác động lực hoặc chấn thương như té ngã, cố gắng nâng vật nặng…
Những trường hợp loãng xương nặng hơn, các hoạt động đơn giản hàng ngày như hắt hơi mạnh, cúi người,… cũng có thể gây lún xẹp đốt sống.
Người cao tuổi, đặc biệt là phụ nữ trong độ tuổi tiền mãn kinh hay mãn kinh nên chú ý chăm sóc sức khỏe xương khớp bằng cách đo mật độ xương định kỳ, khám bác sĩ khi có các dấu hiệu bất thường.
Trong sinh hoạt hàng ngày cũng cần chú ý tăng cường các thực phẩm giàu canxi, vitamin, omega 3…; thường xuyên vận động với cường độ vừa phải giúp xương chắc khỏe và cơ bắp linh hoạt hơn, hạn chế té ngã.
Viêm phổi ở bệnh nhân đái tháo đường
Vừa qua, Bệnh viện Nội tiết Trung ương tiếp nhận ca bệnh V.Đ.L (59 tuổi, quê quán Hưng Yên). Bệnh nhân được chẩn đoán đái tháo đường typ 2- tăng huyết áp- gout mạn tính đã 5 năm nay. Đáng nói, người bệnh có tiền sử viêm phổi do trực khuẩn mủ xanh.
Trước khi vào viện, bệnh nhân xuất hiện khó thở kèm theo ho khạc đờm, đờm vàng, số lượng nhiều, sốt nóng, sốt rét, nhiệt độ cao nhất 39,5 độ C. Người bệnh tự mua thuốc hạ sốt điều trị tại nhà nhưng triệu chứng không cải thiện. Người bệnh ăn uống kém, dẫn đến thể trạng suy kiệt.
Theo các chuyên gia, đái tháo đường và viêm phổi là 2 bệnh luôn song hành ở người mắc bệnh đái tháo đường. Hiện cũng có nhiều nghiên cứu đã chứng minh người bệnh đái tháo đường thường dễ bị viêm phổi hơn.
Nguyên nhân là do cơ thể người bệnh đái tháo đường mạn tính bị suy giảm miễn dịch dẫn đến sức đề kháng giảm hơn bình thường, chức năng của các tế bào đa nhân trung tính và đại thực bào như hóa ứng động, kết dính, thực bào bị giảm sút, các tế bào miễn dịch sinh ra bị suy giảm hoặc không có khả năng “tiêu diệt” vi khuẩn. Đây chính là điều kiện rất thuận lợi cho tất cả các loại vi khuẩn sinh sôi và phát triển tàn phá hệ miễn dịch cơ thể người bệnh.
Những mạch máu nhỏ trong cơ thể người đái tháo đường bị tổn thương (lớp tế bào lót trong cùng – nội mạc mạch) dẫn đến rối loạn trao đổi oxy ở mô khiến cho sức kháng khuẩn bị suy giảm.
Bên cạnh đó người cao tuổi mắc đái tháo đường thường bị rối loạn trong quá trình ăn uống như khi nuốt thức ăn dễ bị sặc hoặc bị viêm phổi do trào ngược dạ dày thực quản.
Ngoài ra, còn nhiễm khuẩn do các vết thương ngoài da do biến chứng mạn tính của bệnh đái tháo đường cũng khiến nguy cơ bị nhiễm trùng cơ thể hơn người bình thường viêm phổi do vi khuẩn xâm nhập từ ngoài vào máu, tới phổi và gây bệnh.
Đái tháo đường biến chứng viêm phổi thường rất dễ gặp ở người cao tuổi vì thế người bệnh cần sớm tìm nguyên nhân và điều trị kịp thời để tránh ảnh hưởng vào thận. Việc thăm khám định kỳ luôn mang đến những lợi ích tích cực khi có thể kiểm soát bệnh được tốt nhất có thể.
Thực tế đã cho thấy người đái tháo đường bị viêm phổi thường xuất hiện nhiều dấu hiệu điển hình: sốt cao, ho khạc đờm, thậm chí ho ra máu, đau ngực, khó thở. Khi xuất hiện các triệu chứng nói trên, người bệnh nên đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương để khám chữa bệnh kịp thời, tránh những hậu quả không mong muốn.
- Hoàn thiện thể chế, chính sách để ngành Y tế phát triển nhanh, bền vững
- Sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 có làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Covid-19 hay không?
- Tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Y tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á
- Bình Dương sáng 23/07: 315 bệnh nhân Covid-19 được chữa khỏi, số F0 vượt 5.420 ca
- Các triệu chứng rối loạn tiêu hóa cách phòng tránh