Bộ Y tế vừa ban hành Hướng dẫn khám sàng lọc trước tiêm chủng đối với trẻ em. Theo Bộ Y tế hướng dẫn này được áp dụng tại các cơ sở tiêm chủng, cơ sở khám bệnh, chữa bệnh trong cả nước.
Tại quyết định do Thứ trưởng Bộ Y tế Trần Văn Thuấn ban hành, Bộ Y tế nêu rõ: Hướng dẫn này bao gồm các phần thăm khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ trên 1 tháng và trẻ sơ sinh nhằm mục đích quyết định cho trẻ có chống chỉ định tiêm chủng, đủ tiêu chuẩn tiêm chủng, trẻ tạm hoãn tiêm chủng tại cơ sở tiêm chủng và các trường hợp phải chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện.
Theo đó, việc khám sàng lọc trước tiêm chủng cho trẻ em đối với cơ sở ngoài bệnh viện như sau:
Đối với trẻ từ 1 tháng tuổi trở lên. Các trường hợp chống chỉ định
- Có tiền sử phản vệ độ III trở lên sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần).
- Trường hợp có tiền sử lồng ruột: Chống chỉ định với vaccine Rota.
- Trường hợp mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh: Chống chỉ định với vaccine OPV.
- Các trường hợp chống chỉ định khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.
Các trường hợp tạm hoãn
Có tiền sử phản ứng phản vệ độ II sau tiêm chủng vaccine lần trước (có cùng thành phần): chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, suy giảm ý thức…). Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
Sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách). Tiêm chủng khi thân nhiệt của trẻ ổn định.
Suy giảm miễn dịch: Trẻ nghi ngờ mắc hoặc mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh chưa xác định được mức độ hoặc mắc suy giảm miễn dịch thể nặng: tạm hoãn tiêm chủng các vaccine sống giảm độc lực và chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện. Tiêm chủng khi trẻ được chẩn đoán suy giảm miễn dịch không thuộc thể nặng, ngoại trừ vaccine bại liệt uống (OPV).
Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong vòng 3 tháng (trừ kháng huyết thanh viêm gan B): tạm hoãn tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực. Tiêm chủng cho trẻ khi đủ 3 tháng tính từ ngày cuối cùng sử dụng sản phẩm.
Trẻ đang điều trị hoặc mới kết thúc đợt điều trị corticoid toàn thân (uống/ tiêm) với liều cao (tương đương prednison ≥ 2 mg/kg/ngày), hóa trị (chất chống chuyển hóa, hoặc các kháng thể đơn dòng khác nhằm vào tế bào miễn dịch…), xạ trị trong vòng 14 ngày: tạm hoãn tiêm chủng vaccine sống giảm độc lực. Tiêm chủng cho trẻ sau khi kết thúc điều trị corticoid, hóa trị và xạ trị 14 ngày.
Bộ Y tế lưu ý:
- Trẻ có cân nặng dưới 2000g: chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện. Khi cân nặng trẻ từ 2000g trở lên thực hiện khám sàng lọc và tiêm chủng tại các cơ sở tiêm chủng ngoài bệnh viện.
- Trẻ có tiền sử phản ứng tăng dần sau các lần tiêm chủng trước của cùng loại vaccine (ví dụ: lần đầu không sưng tấy, lần sau viêm sưng tấy lan tỏa tại vị trí tiêm…): chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Trẻ mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, ung thư chưa ổn định: chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện. Tiêm chủng khi tình trạng bệnh của trẻ ổn định.
- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.
Đối với trẻ dưới 1 tháng tuổi
Tại hướng dẫn Bộ Y tế nêu rõ: Giai đoạn trẻ dưới 1 tháng tuổi khi thăm khám sàng lọc, cần chú ý đến tuần tuổi thai khi đẻ, tuổi thai hiệu chỉnh, cân nặng, các chức năng cơ quan, bệnh lý cấp tính, các nghi ngờ bệnh suy giảm miễn dịch, phơi nhiễm HIV…
Một số các tình huống chống chỉ định, tạm hoãn cụ thể như sau:
Các trường hợp chống chỉ định theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.
Các trường hợp tạm hoãn, cụ thể:
- Có tình trạng suy chức năng các cơ quan (như suy hô hấp, suy tuần hoàn, suy tim, suy thận, suy gan, suy giảm ý thức…). Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
- Mắc các bệnh cấp tính, các bệnh nhiễm trùng. Tiêm chủng khi sức khỏe của trẻ ổn định.
- Sốt ≥ 38°C hoặc hạ thân nhiệt ≤ 35,5°C (đo nhiệt độ tại nách). Tiêm chủng khi thân nhiệt của trẻ ổn định.
- Trẻ có cân nặng < 2000g: Chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện.
- Nghi ngờ mắc hoặc mắc suy giảm miễn dịch bẩm sinh chưa xác định được mức độ hoặc mắc suy giảm miễn dịch thể nặng: tạm hoãn tiêm chủng vaccine phòng lao (BCG) và chuyển khám sàng lọc tại bệnh viện. Tiêm chủng khi trẻ suy giảm miễn dịch không thuộc thể nặng.
- Chỉ định vaccine bại liệt bất hoạt dạng tiêm (IPV) thay thế vaccine bại liệt sống giảm độc lực dạng uống (OPV). Cùng đó cần xem thêm phụ lục về chỉ định, chống chỉ định, tạm hoãn tiêm chủng với trẻ suy giảm miễn dịch bẩm sinh.
- Trẻ sinh non có tuổi thai < 34 tuần tạm hoãn tiêm vaccine phòng lao (BCG). Tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tuổi thai hiệu chỉnh).
- Trẻ sinh non có tuổi thai < 34 tuần: Nếu mẹ có HBsAg (-) tạm hoãn tiêm vaccine viêm gan B sơ sinh, tiêm chủng khi trẻ đủ 34 tuần tuổi (tuổi thai hiệu chỉnh). Nếu mẹ có HBsAg (+) hoặc mẹ không xét nghiệm chuyển khám sàng lọc và tiêm chủng tại bệnh viện.
- Trẻ mới dùng các sản phẩm globulin miễn dịch trong tuổi sơ sinh (trừ kháng huyết thanh viêm gan B): tạm hoãn tiêm chủng vacine sống giảm độc lực. Tiêm chủng cho trẻ khi đủ 3 tháng tính từ ngày cuối cùng sử dụng sản phẩm.
- Mắc các bệnh bẩm sinh hoặc bệnh mạn tính ở tim, phổi, hệ thống tiêu hóa, tiết niệu, máu, thần kinh, ung thư chưa ổn định: chuyển khám sàng lọc, tiêm chủng tại bệnh viện.
- Các trường hợp tạm hoãn tiêm chủng khác theo hướng dẫn của nhà sản xuất đối với từng loại vaccine.
Nguồn: https://suckhoedoisong.vn