Cận thị là gì? Cận thị có phải là bệnh lý không? Những ai thường sẽ là đối tượng nguy cơ bị cận thị? Cùng tìm hiểu nhé!
1. Cận thị là gì?
Tên gọi khác của cận thị: Myopic, Nearsightedness.
Có thể nói, cận thị là một hiện tượng không nhìn được rõ vật ở xa. Cận thị có thể là rối loạn về mắt mang tính di truyền và xảy ra do trục nhãn cầu quá dài hoặc độ hội tụ của giác mạc, thủy tinh thể quá lớn.
Cận thị cũng là một vấn đề về thị giác khá phổ biến, đặc biệt là giới trẻ. Cận thị nặng dẫn đến thoái hóa hắc võng mạc trung tâm gây giảm thị lực và có nguy cơ cao gây bong võng mạc, lác mắt…
2. Nguyên nhân của cận thị
Có rất nhiều nguyên nhân gây cận thị, dưới đây là một số nguyên nhân phổ biến:
– Do thủy tinh thể quá phồng hoặc do trục nhãn cầu dài quá khiến cho hình ảnh hiện lên trước võng mạc. Bình thường đường kính trước sau của nhãn cầu vào khoảng 20mm, người cận thị đường kính đó gia tăng làm hình ảnh thu vào võng mạc không hiện đúng lên võng mạc mà bị khuếch tán gây ra mờ, không rõ.
– Do yếu tố di truyền
– Do học tập và sinh hoạt thiếu khoa học, học với cường độ cao, môi trường ánh sáng kém, tư thế ngồi học, bàn ghế không phù hợp, đọc sách ở cự ly gần trong thời gian dài.
– Thường xuyên xem ti vi, chơi máy vi tính nhiều giờ liên tục với cự ly rất gần.
– Trẻ sơ sinh thiếu tháng và trẻ sinh ra trọng lượng quá nhẹ là yếu tố khiến trẻ bị cận thị.
– Thiếu hụt dinh dưỡng trong chế độ ăn.
3. Triệu chứng của cận thị
Triệu chứng của cận thị
– Nhìn xa không rõ.
– Thấy chữ viết và hình trên bảng mờ, nhìn hay nghiêng đầu và nheo mắt hoặc hay quay đầu.
– Gặp khó khăn khi đọc các biển báo trên đường hoặc nhìn các vật khác ở xa.
– Lúc đọc hoặc viết cúi sát xuống bàn hoặc sách.
– Xem ti vi hay nheo mắt, dụi mắt nhiều hơn mức bình thường.
– Nheo mắt, căng mắt và nhức đầu, chảy nước mắt do mỏi mắt.
– Cảm thấy mệt mỏi khi lái xe hay khi chơi thể thao cũng có thể là triệu chứng của chứng cận thị không chỉnh hình.
4. Phòng tránh cận thị
Phòng tránh cận thị
Đối với những người cận thị: nên hạn chế áp lực lên cơ quan thị giác bằng cách giảm thời gian xem ti vi và làm việc với máy tính cũng như đọc sách đến mức tối thiểu, cụ thể:
+ Trẻ dưới 6 tuổi: tiếp xúc dưới 30 phút 1 ngày.
+ Trẻ từ 6 – 14 tuổi: dưới 60 phút 1 ngày.
+ Trẻ trên 14 tuổi: dưới 90 phút trong một ngày.
– Đeo kính phân kỳ thích hợp với độ của mắt.
– Không xem sách ở nơi thiếu ánh sáng.
– Không nằm, quỳ để học bài, viết bài, không nên đọc khi đi trên ô tô, tàu hỏa, máy bay.
– Không bắt mắt làm việc quá lâu.
Bài tập giúp giảm bớt và phòng ngừa cận thị
– Ngồi ở ghế nheo 2 mắt lại khoảng 3 – 5 giây, mở ra 3 – 5 giây. Tập 6 – 8 lần.
– Ngồi tại chỗ, nhắm hai mắt trong vài phút
– Chớp mắt nhanh thật nhanh trong suốt 1 – 2 phút.
– Ngồi xuống che mi mắt lại, xoa bóp quanh hốc mắt trong 1 phút.
– Nhìn xa khoảng 1-2 phút (nhìn đường chân trời)
– Ngồi học đúng tư thế, giấy không quá bóng, không để đèn bàn hắt thẳng vào mắt.