Với những nỗ lực không ngừng, các cấp, ngành, địa phương phối hợp với doanh nghiệp (DN) quan tâm chăm lo cho công nhân, người lao động để họ yên tâm làm việc, đồng lòng vượt qua giai đoạn khó khăn do dịch bệnh.
Chăm lo sức khỏe người lao động
Theo ông Bùi Minh Trí, Trưởng ban Quản lý các khu công nghiệp (KCN) tỉnh, hiện nay toàn tỉnh có trên 1.300 nhà máy duy trì sản xuất “3 tại chỗ” hoặc “1 cung đường, 2 địa điểm”. Đến nay, đã có 87% người lao động tham gia sản xuất “3 tại chỗ” được tiêm vắc xin mũi 1, Ban Quản lý các KCN tỉnh sẽ phối hợp với chủ đầu tư các KCN, DN tiếp tục tiêm mũi 2 cho số lao động này, cũng như tiêm cho công nhân, người lao động còn lại. Hiện nay, Nhà nước cung cấp vắc xin, giám sát đối tượng, còn mặt bằng, nhân sự y tế, chi phí tổ chức tiêm… được DN hỗ trợ nên tốc độ tiêm vắc xin được đẩy nhanh và tổ chức bài bản, phát huy hiệu quả tốt.
Theo ông Nguyễn Quốc Thái, Phó Tổng giám đốc Công ty Cổ phần KCN Tân Bình, đến nay công ty đã tổ chức tiêm đợt 2 cho công nhân lao động của các DN thực hiện “3 tại chỗ”. Tổng số vắc xin KCN Tân Bình được phân phối trong 2 đợt cho các DN thực hiện “3 tại chỗ” là 4.000 liều. Công tác tổ chức tiêm lần lượt từng công ty được các DN rất ủng hộ, thực hiện bài bản, bảo đảm an toàn. Được biết, KCN Tân Bình có 78 DN, với 15.000 công nhân trên địa bàn 2 huyện Bắc Tân Uyên và Bàu Bàng. Hiện tại, có 40 DN đang sản xuất “3 tại chỗ” với 5.123 lao động. Qua công tác kiểm tra, không có DN nào xuất hiện F0 trong nhà máy.
Ban Quản lý KCN Tân Bình cho rằng với số lượng công nhân “3 tại chỗ” được tiêm đạt hơn 80% sẽ là tiền đề vững chắc để các DN tự tin khôi phục sản xuất, người lao động yên tâm gắn bó với công ty. Trong thời gian tới, Ban Quản lý KCN Tân Bình mong muốn các cấp chính quyền tạo điều kiện để toàn thể công nhân trong KCN được tiêm vắc xin, DN yên tâm tổ chức lại sản xuất, giữ vững những DN xanh, tiến tới KCN xanh.
Ông Dương Văn Hảo, công nhân Công ty Nhung Xương (KCN Tân Bình), cho biết được tiêm vắc xin công nhân rất phấn khởi, yên tâm để tham gia sản xuất “3 tại chỗ” tại công ty. Nếu quay về nhà trọ, để thực hiện mô hình từ nhà trọ xanh đến DN xanh, ông sẽ tình nguyện tuyên truyền, giữ vững an toàn dịch bệnh trong khu trọ. “Dù được tiêm vắc xin nhưng cũng có thể lây nhiễm bệnh nếu vẫn chủ quan, điều cần thiết là mỗi công nhân phải ý thức trong sinh hoạt và sản xuất thì mới giữ được an toàn. Đặc biệt tôi nghĩ cần có sự phối hợp của các chủ nhà trọ trong việc quản lý sát sao người ở trọ…”, ông Hảo cho biết.
Thiết lập “sản xuất xanh”
Ngoài việc ưu tiên tiêm ngừa Covid-19, bên cạnh các chính sách hỗ trợ chung theo quy định của Chính phủ, tỉnh còn quyết định hỗ trợ một phần tiền phòng trọ, lương thực, thực phẩm cho hàng trăm ngàn lao động khó khăn. Đó cũng chính là sự đồng hành ý nghĩa của địa phương đối với DN, từng bước đưa sản xuất trở lại nhanh nhất có thể. Ông Võ Văn Minh, Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh, cho biết Bình Dương đã chỉ đạo các huyện, thị, thành phố hạn chế được dịch và đáp ứng tiêu chí của “vùng xanh” như huyện Phú Giáo, Bắc Tân Uyên, Dầu Tiếng, Bàu Bàng lên kế hoạch để dần tổ chức sản xuất trở lại. Với các khu vực khác, bên cạnh việc nỗ lực dập dịch, tỉnh cũng đã có sự chuẩn bị để hướng dẫn, đồng hành cùng DN, người lao động sớm tổ chức sản xuất trở lại khi hết dịch bệnh để khôi phục kinh tế, tạo việc làm, thu nhập cho người dân.
Ông Nguyễn Quốc Thái cho rằng dù Ban Quản lý KCN Tân Bình đã và đang phối hợp với các chính quyền địa phương để tìm ra giải pháp, biện pháp gắn kết DN với nhà trọ, tạo điều kiện cho các DN nhanh chóng trở lại trạng thái bình thường mới, nhưng nỗi lo mất an toàn vẫn còn. Ông mong muốn người lao động đủ thời gian sớm được tiêm vắc xin mũi 2, có như vậy mới vững tâm hơn.
Cũng bởi lo người lao động không giữ được an toàn cho bản thân và cộng đồng nên hiện nay, dù đã kiểm tra sức khỏe người lao động nhiều lần, kể cả được chích vắc xin mũi 1, nhưng có DN vẫn không dám cho công nhân về nhà trọ để thực hiện mô hình từ nhà trọ xanh đến sản xuất xanh. Bà Lê Thị Minh Trung, Trưởng phòng nhân sự Công ty Nghĩa Hoàng Phúc (KCN Tân Bình), cho biết công ty hiện đang nỗ lực duy trì sản xuất “3 tại chỗ” để bảo đảm tiến độ đơn hàng đã được ký kết và an toàn sức khỏe cho người lao động. “Việc thực hiện mô hình từ nhà trọ xanh đến sản xuất xanh là giải pháp kéo giảm gánh nặng, chi phí cho DN nhưng công ty e ngại sẽ xuất hiện F0 trong nhà máy nếu không được giám sát chặt chẽ. Trong thời gian tới công ty sẽ cố gắng tuyên truyền, thăm dò ý kiến của người lao động để quyết định vấn đề này”, bà Trung chia sẻ.