Sau khi xem xét các tình tiết mới tại phiên tòa phúc thẩm Việt Á, HĐXX đã quyết định giảm án cho 6 bị cáo, trong đó có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long.
15h ngày 17-5, cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long cũng các bị cáo khác có kháng cáo trong vụ Việt Á được dẫn giải tới phiên tòa nghe tuyên án phúc thẩm vụ Việt Á.
Sau khi nghị án, HĐXX đã quyết định y án sơ thẩm đối với 5 bị cáo và giảm án cho 6 bị cáo. Trong số các bị cáo được giảm án có cựu Bộ trưởng Y tế Nguyễn Thanh Long. Ông Long được giảm 1 năm, còn 17 năm tù về tội nhận hối lộ.
Ông Trần Thanh Phong, cựu cán bộ CDC Bình Dương được miễn trách nhiệm hình sự. Hai bị cáo Ngụy Thị Hậu, cựu cán bộ CDC Bắc Giang, Lê Thị Hồng Xuyên, cựu cán bộ CDC Hải Dương được cho hưởng án treo.
HĐXX nhận định hành vi của các bị cáo là đặc biệt nghiêm trọng, gây bức xúc xã hội, làm suy thoái, bang hoại đạo đức của một số cán bộ, làm mất lòng tin của nhân dân.
Bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Bộ Y tế) biết rõ test xét nghiệm là của Nhà nước nhưng đã giúp sức, tiếp tay cho Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Việt Á) lưu hành. Bị cáo được hưởng nhiều tình tiết giảm nhẹ: tích cực hợp tác với CQĐT, nộp lại toàn bộ số tiền nhận hối lộ 2,25 triệu USD… điều này thể hiện thái độ ăn năn, hối cải của bị cáo.
Tại phiên tòa phúc thẩm, bị cáo Long xuất trình thêm tài liệu mới, bị cáo bị hội chứng ngừng thở khi ngủ, tự nguyện khắc phục thay bị cáo Việt 1 tỉ đồng là tình tiết giảm nhẹ mới.
HĐXX nhận thấy bị cáo là 1 nhà khoa học uy tín, là người đặt nền móng cho Quỹ toàn cầu phòng chống AIDS. Bị cáo là người góp phần đào tạo nên nhiều tiến sỹ y khoa… nên có cơ sở để chấp nhận một phần kháng cáo của bị cáo, giảm nhẹ một phần hình phạt để bị cáo yên tâm cải tạo, có cơ hội sửa chữa sai lầm.
Theo nội dung vụ án, cuối năm 2020, lợi dụng chủ trương của Nhà nước về việc giao các đơn vị chủ động nghiên cứu chế tạo sinh phẩm phục vụ công tác phòng, chống dịch, Phan Quốc Việt đã thông đồng, cấu kết với bị cáo ở Bộ Y tế, Bộ KH&CN, Văn phòng Chính phủ và các bị cáo khác cho Công ty Việt Á được phối hợp thực hiện Đề tài nghiên cứu chế tạo, kiểm định test xét nghiệm; được nghiệm thu giai đoạn 1 của Đề tài, nhằm mục đích lập hồ sơ gửi Bộ Y tế xin cấp số đăng ký lưu hành.
Chuỗi hành vi trên của các bị cáo đã biến test xét nghiệm từ sản phẩm thuộc sở hữu của Nhà nước thành sản phẩm của Việt Á.
Khi bán sản phẩm test xét nghiệm, bị cáo Việt cũng cấu kết với với các bị cáo thuộc Bộ Y tế để được hiệp thương theo giá đã được nâng khống, chậm kiểm tra giá hiệp thương để tạo mặt bằng giá test xét nghiệm thu lời bất chính.
Để được các đồng phạm can thiệp giúp đỡ như nêu trên, Phan Quốc Việt đã thỏa thuận ăn chia, đưa tiền hối lộ, tiền cảm ơn nhiều lần, với tổng số tiền 3,45 triệu USD và 4 tỉ đồng.
Khi tiêu thụ kit test Việt Á tại nhiều địa phương, Phan Quốc Việt cùng cấp dưới đã thông đồng, cấu kết với lãnh đạo, nhân viên các cơ sở y tế công lập thực hiện hành vi trái quy định của pháp luật về đấu thầu.
Quá trình tiêu thụ test xét nghiệm, Phan Quốc Việt chỉ đạo nhân viên tính toán và chi tiền phần trăm ngoài hợp đồng; trực tiếp chỉ đạo cấp dưới đưa hối lộ hơn 34 tỉ đồng cho nhiều lãnh đạo, nhân viên tại các cơ sở y tế công lập trên phạm vi cả nước.
Tổng số tiền Phan Quốc Việt đưa hối lộ là hơn 106 tỉ đồng. Hành vi của Phan Quốc Việt được xác định đã gây thiệt hại hơn 1.235 tỉ đồng, trong đó thiệt hại cho Ngân sách Nhà nước hơn 431 tỉ đồng.
Mức án phúc thẩm của các bị cáo
1. Bị cáo Phan Quốc Việt (Chủ tịch kiêm TGĐ Công ty Việt Á): Y án sơ thẩm, phạt 14 năm tù về tội vi phạm quy định đấu thầu; 15 năm tù tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 29 năm tù.
2. Bị cáo Vũ Đình Hiệp (phó TGĐ Công ty Việt Á): Y án sơ thẩm, phạt 7 năm tù tội vi phạm quy định đấu thầu; 8 năm tù tội đưa hối lộ. Tổng hợp hình phạt là 15 năm tù.
Tội nhận hối lộ
3. Bị cáo Nguyễn Thanh Long (cựu Bộ trưởng Y tế): 17 năm tù (được giảm 1 năm).
4. Bị cáo Phạm Duy Tuyến (cựu Giám đốc CDC Hải Dương): 12 năm tù (được giảm 1 năm).
5. Trịnh Thanh Hùng (cựu Vụ phó Bộ Y tế): y án sơ thẩm, 14 năm tù.
6. Nguyễn Nam Liên (cựu Vụ trưởng Kế hoạch Tài chính Bộ Y tế): 6 năm 3 tháng (được giảm 9 tháng).
Tội vi phạm quy định về đấu thầu gây hậu quả nghiêm trọng
7. Trần Thị Hằng (cựu nhân viên Việt Á): y án sơ thẩm, 30 tháng tù.
8. Ngụy Thị Hậu (cựu phó phòng Tài chính kế toán, CDC tỉnh Bắc Giang): 30 tháng cho hưởng án treo (sơ thẩm án tù).
9. Trần Thanh Phong (Phó phòng Tài chính Kế toán CDC Bình Dương): được miễn trách nhiệm hình sự (sơ thẩm 24 tháng cho hưởng án treo).
10. Lê Thị Hồng Xuyên (cựu nhân viên CDC Hải Dương): 24 tháng cho hưởng án treo (sơ thẩm án tù).
11. Nguyễn Trường Giang (TGĐ Công ty VNDAT): Y án sơ thẩm, 30 tháng tù.
- Bộ Y tế chỉ đạo tập trung mọi nguồn lực cứu chữa các nạn nhân.
- Những lưu ý đối với học sinh tiểu học và trung học cơ sở khi trở lại trường học
- Bộ trưởng Bộ Y tế tiếp Điều phối viên thường trú, Trưởng đại diện UNDP tại Việt Nam
- Các nhiệm vụ chính của bệnh viện
- WHO thêm hai biến thể phụ mới của Omicron vào danh sách cần theo dõi