Sau 2 tuần gián đoạn mổ phiên, gồm các ca bệnh được bảo hiểm y tế chi trả, do thiếu vật tư y tế, Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức đã duy trì lại; các bệnh viện công khác đang bổ sung thuốc bảo hiểm y tế.
Theo GS – TS Trần Bình Giang, Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức, sau 2 tuần gián đoạn các ca mổ phiên, bao gồm các ca bệnh được bảo hiểm y tế chi trả (ca bệnh bảo hiểm y tế) do thiếu vật tư y tế, hóa chất, hiện bệnh viện đã hoạt động bình thường và mổ trở lại, người dân có thể yên tâm đến khám, chữa bệnh với đầy đủ phương tiện cơ bản.
Trước đó, nhiều bệnh viện công lập thiếu thuốc và vật tư y tế do hàng ngàn thuốc hết hạn số đăng ký lưu hành và vướng mắc các quy định về đấu thầu, mua sắm.
Đầu tháng 3 vừa qua, Bộ Y tế đã tham mưu, trình Chính phủ ban hành Nghị định 07/2003/NĐ-CP và Nghị quyết 30/NQ-CP với các nội dung giải quyết những vướng mắc liên quan đến giấy phép nhập khẩu, số đăng ký lưu hành trang thiết bị y tế… giải quyết các vấn đề liên quan tới thanh toán chi phí khám bệnh, chữa bệnh bằng bảo hiểm y tế đối với các dịch vụ kỹ thuật thực hiện bằng máy do nhà thầu cung cấp sau khi trúng thầu vật tư, hóa chất.
“Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ đã tháo gỡ được nhiều “nút thắt”, giải quyết được các vấn đề mua sắm, đấu thầu trang thiết bị của bệnh viện. Ngay khi được tháo gỡ, bệnh viện đã đẩy nhanh tiến độ đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế, vật tư, hóa chất”, GS Giang thông tin.
“Nghị định 07 và Nghị quyết 30 của Chính phủ được ban hành rất sát với những khó khăn mà các bệnh viện đang gặp phải, giúp giải quyết được những vấn đề cấp bách trong bảo đảm thuốc, trang thiết bị y tế”, PGS – TS Đào Xuân Cơ, Giám đốc Bệnh viện Bạch Mai, cho biết thêm.
Mở rộng danh mục thuốc, khám bệnh bảo hiểm y tế ngày nghỉ
Bộ Y tế cho biết, việc đẩy nhanh tiến độ thực hiện mua sắm tập trung, đàm phán giá đã đem lại hiệu quả, đặc biệt trong chi trả khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cụ thể, trong năm 2022, Bộ Y tế đã đàm phán thành công 3 gói thầu thuốc thuộc danh mục đấu thầu tập trung cấp quốc gia, giúp giảm giá 1.418 tỉ đồng so với giá kế hoạch (giảm gần 18%). Cuối tháng 2 vừa rồi, Bộ Y tế cũng đàm phán giá thành công 61/69 mặt hàng thuốc, giảm giá 1.995 tỉ đồng (giảm gần 15%).
Mới đây, trước phản ánh của một số địa phương về quyền lợi của người khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào thứ bảy và chủ nhật, Bộ Y tế cho hay, tùy thuộc điều kiện trang thiết bị, nhân lực, quy định giờ làm việc của người lao động, các cơ sở y tế đã tổ chức khám chữa bệnh ngày nghỉ, ngày lễ từ năm 2015.
Việc thanh toán chi phí khám, chữa bệnh đối với cơ sở khám chữa bệnh có tổ chức khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ được thực hiện theo mức hưởng cho từng nhóm đối tượng. Tuy nhiên, trước khi triển khai khám chữa bệnh bảo hiểm y tế vào ngày nghỉ, các cơ sở khám bảo hiểm y tế ngày nghỉ cần có văn bản thông báo với cơ quan bảo hiểm xã hội, để thống nhất, bổ sung vào hợp đồng khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Danh mục thuốc bảo hiểm y tế hiện đã bao phủ các thuốc điều trị các chuyên khoa, gồm tân dược và thuốc y học cổ truyền. Theo danh mục bổ sung mới nhất tại Thông tư 30/2019, Bộ Y tế đã bổ sung 69 thuốc, mở rộng điều kiện thanh toán 10 thuốc, tăng tỷ lệ thanh toán 6 thuốc, qua đó tạo điều kiện người bệnh có thẻ bảo hiểm y tế tăng cường tiếp cận thuốc điều trị, bao gồm các thuốc trị bệnh hiểm nghèo, ghép tạng.
Nguồn: https://thanhnien.vn
- Bình Dương tổ chức hội nghị khoa học kỹ thuật ngành y tế
- Sáng 8/7: TP HCM, Bình Dương thêm 314 ca bệnh chỉ sau 1 đêm
- Bộ Y tế: Tăng cường công tác chẩn đoán, điều trị bệnh bạch hầu
- Phó thủ tướng: Sắp xếp lại bệnh viện thuộc Bộ Y tế không cơ học, máy móc
- Vaccine là biện pháp hiệu quả nhất, kể cả với biến thể mới Omicron