Trong văn bản trả lời kiến nghị của cử tri về vấn đề đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị y tế, kinh phí cho y tế cơ sở để đáp ứng nhu cầu khám, chữa bệnh ban đầu cho nhân dân, Bộ trưởng Bộ Y tế Đào Hồng Lan cho biết: Năm 2016, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 2348/QĐ-TTg phê duyệt Đề án Xây dựng và phát triển mạng lưới y tế cơ sở trong tỉnh hình mới. Trong đó đã quy định: Ủy ban nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương bố trí ngân sách địa phương (cả chi đầu tư và chi sự nghiệp) cho Đề án. Bảo đảm đủ nhân lực, nguồn tài chính cho hoạt động của y tế cơ sở; xây dựng và ban hành các cơ chế, chính sách, chế độ để thu hút bác sỹ về làm việc tại tuyến y tế cơ sở.
Ngày 30/01/2022, Chính phủ đã ban hành Nghị quyết số 11/NQ-CP về Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế – xã hội và triển khai Nghị quyết số 43/2022/QH15 của Quốc hội về chính sách tài khóa, tiền tệ hỗ trợ Chương trình.
Chương trình phân bổ gần 14.000 tỷ đồng cho ngành Y tế để đầu tư xây mới, cải tạo, nâng cấp, hiện đại hoá hệ thống y tế cơ sở, y tế dự phòng, Trung tâm Kiềm soát bệnh tật tỉnh, nâng cao năng lực phòng, chống dịch bệnh của các Viện nghiên cứu, Bệnh viện cấp trung ương gắn với đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực trong lĩnh vực y tế, sản xuất vaccine trong nước, thuốc điều trị COVID-19.
Bộ Y tế đã tổng hợp nhu cầu của các địa phương, đơn vị và báo cáo cấp có thẩm quyền để thực hiện việc phân bổ nguồn lực của Chương trình.
Hiện nay, Bộ Y tế đã và đang nỗ lực huy động các nguồn lực đầu tư cho y tế cơ sở, triển khai một số chương trình, dự án lớn nhằm tăng cường đầu tư toàn diện cho tuyến y tế cơ sở trong thời gian tới.
Về vấn đề đầu tư cho y tế cơ sở, bà Phan Lê Thu Hằng – Phó Vụ trưởng Vụ Kế hoạch Tài chính -Bộ Y tế cũng cho biết, chỉ số bao phủ dịch vụ y tế thiết yếu của Việt Nam năm 2020 đạt 70 trên 100 điểm, cao hơn so với mức trung bình của khu vực Đông Nam Á (61 điểm) và của toàn cầu (67 điểm). Việt Nam được quốc tế đánh giá cao trong thực hiện các mục tiêu phát triển thiên niên kỷ. Có được những thành tựu quan trọng như vậy do có sự đóng góp rất lớn của mạng lưới y tế cơ sở.
Mạng lưới y tế cơ sở đã phủ rộng khắp toàn quốc, 100% xã phường/thị trấn có trạm y tế xã. Giai đoạn 2018-2022, tổng số chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế tại tuyến y tế cơ sở chiếm khoảng 30% tổng chi khám chữa bệnh bảo hiểm y tế.
Cùng với đó, số lượng dịch vụ ngày càng tăng khám chữa bệnh y học cổ truyền, chăm sóc sức khỏe bà mẹ, trẻ em, người cao tuổi… Bước đầu quản lý bệnh không lây nhiễm, quản lý sức khỏe người dân tại y tế xã.
Nguồn: https://vov2.vov.vn
- Hà Nội: 4 sinh viên chống dịch từ Bình Dương về dương tính Covid-19
- Bệnh viện Quân y 175 chính thức chuyển giao thế hệ giám đốc
- Đổi mới quy trình chăm sóc, theo dõi sức khỏe cán bộ
- Dinh dưỡng, thực phẩm với sức khoẻ và phòng bệnh
- Vanuata muốn mở rộng hợp tác với Việt Nam về y tế và ứng phó với biến đổi khí hậu