Theo đề xuất của Bộ Y tế, giá dịch vụ khám, chữa bệnh thực hiện tăng theo sự thay đổi mức lương cơ sở từ 1,49 triệu đồng lên 1,8 triệu đồng/tháng, ước tăng trung bình 5% nếu áp dụng.
Theo thông tin từ Bộ Y tế, bộ này đang xây dựng lộ trình điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo phương án tính đúng, tính đủ. Trong đó đề xuất điều chỉnh giá dịch vụ khám, chữa bệnh theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng theo phương án dựa trên cơ sở danh mục kỹ thuật hiện hành, vẫn giữ nguyên cơ cấu giá và định mức đã ban hành và chỉ điều chỉnh tiền lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở mới.
Về tác động với người bệnh khi tăng viện phí theo lương cơ sở, Bộ Y tế cho rằng, nếu thực hiện điều chỉnh tiền lương kết cấu vào giá theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng thì tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh là 5%, tương đương với chi quỹ bảo hiểm y tế ước tăng 2.700 tỉ đồng/năm. Tuy nhiên, khi mức lương cơ sở tăng thì nguồn thu quỹ bảo hiểm y tế cũng sẽ tăng do mức đóng của người tham gia bảo hiểm y tế cũng tăng.
Nếu tính chi phí quản lý vào giá dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thì tỷ lệ tăng bình quân của giá dịch vụ khám bệnh chữa bệnh là 4%, chi quỹ bảo hiểm y tế tăng khoảng 2.180 tỉ đồng/năm.
Đánh giá trên được Bộ Y tế căn cứ số liệu về cơ cấu dịch vụ khám, chữa bệnh bảo hiểm y tế năm 2021 và 6 tháng đầu năm 2022 về kết quả quản lý và sử dụng quỹ bảo hiểm y tế.
Nếu tính cả chi phí tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và chi phí quản lý vào giá thì giá dịch vụ khám, chữa bệnh tăng bình quân là 9%. Như vậy, dự kiến tác động tăng chỉ số giá tiêu dùng chung dưới 0,41 điểm phần trăm.
Về khả năng cân đối quỹ bảo hiểm y tế, Bộ Y tế phân tích: so sánh chênh lệch thu, chi của quỹ bảo hiểm y tế hàng năm (năm 2021 dư 14.368 tỉ đồng), cho thấy nếu điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng và tính chi phí quản lý vào giá khám, chữa bệnh thì quỹ bảo hiểm y tế vẫn đủ khả năng cân đối.
Đánh giá tác động với người bệnh nghèo
Theo Bộ Y tế, người tham gia bảo hiểm y tế là người nghèo, đồng bào dân tộc thiểu số, các đối tượng chính sách xã hội đã được bảo hiểm y tế thanh toán 100% chi phí khám, chữa bệnh nên khi điều chỉnh tăng, các nhóm này không bị ảnh hưởng.
Với những người có thẻ bảo hiểm y tế phải đồng chi trả 20%, tỷ lệ tăng bình quân giá khám, chữa bệnh khi điều chỉnh tiền lương theo mức lương cơ sở 1,8 triệu đồng là 5%. Phần đồng chi trả tăng thêm này được Bộ Y tế đánh giá là “có khả năng chi trả vì thu nhập của các đối tượng cũng được tăng theo tiền lương cơ sở”.
Mới đây, tại cuộc họp với lãnh đạo Bộ Y tế chiều 11.7, Phó thủ tướng Trần Hồng Hà nêu hai vấn đề cần quan tâm đối với lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh là tác động đến ổn định kinh tế vĩ mô; mức độ ảnh hưởng đến người bệnh, nhất là đối tượng chính sách, bảo trợ xã hội, người có hoàn cảnh khó khăn.
Lộ trình thực hiện giá dịch vụ khám, chữa bệnh cũng cần đặt trong mối quan hệ hết sức chặt chẽ đối với chính sách xã hội hóa y tế, tự chủ bệnh viện, phát triển bảo hiểm y tế…
Nguồn: https://thanhnien.vn
- Tin mới về y tế ngày 27/6: Gia tăng trẻ viêm phổi do vi khuẩn Mycoplasma, nguy cơ sức khoẻ vì tự ý sử dụng thuốc
- Phó Thủ tướng: Phải làm nghiêm, không thể vì một vài cá nhân mà gây thiệt hại cho toàn xã hội nếu dịch lan ra
- Tìm ca nhiễm HIV mới, Bình Dương tăng cường truyền thông nhóm nhỏ, bám sát cộng đồng MSM
- Ngày mới với tin tức sức khỏe: Thiếu ngủ có liên quan đến ung thư?
- Tiếp tục thúc đẩy mối quan hệ hợp tác giữa Bộ Y tế và Ngân hàng Phát triển Châu Á