Bệnh viện Việt Đức – một trung tâm lớn trên thế giới về mổ tuyến thượng thận
Theo GS-TS Trần Bình Giang – Giám đốc Bệnh viện Hữu nghị Việt Đức – phẫu thuật nội soi ở Việt Nam là một lĩnh vực y khoa đi gần với sự phát triển của thế giới. Năm 1987, ca mổ nội soi đầu tiên trên thế giới được thực hiện, chỉ 5 năm sau, Việt Nam cũng tiến hành ca mổ nội soi đầu tiên. Từ những ca mổ nội soi như cắt túi mật, cắt ruột thừa… đến nay, nhờ kỹ thuật này, người ta có thể thực hiện những phẫu thuật phức tạp nhất như cắt thận, cắt gan, cắt dạ dày, cắt khối tá tụy…
“Phẫu thuật nội soi đã can thiệp tới hầu hết các tạng, chiếm tỉ lệ cao trong số các phẫu thuật nói chung ở nhiều nước trên thế giới” – GS Giang nói. Ông chính là người tiên phong đưa phẫu thuật nội soi về Việt Nam, đồng thời, ông còn có đóng góp quan trọng trong phẫu thuật nội soi thượng thận và khai sinh phương pháp điều trị bảo tồn các tạng vỡ.
Tiếp theo kỹ thuật mổ nội soi, năm 2002, nghiên cứu khoa học của GS-TS Trần Bình Giang về mổ nội soi tuyến thượng thận đã được công bố quốc tế. Đến nay đã có hàng nghìn bệnh nhân được phẫu thuật nội soi và Bệnh viện Việt Đức trở thành một trung tâm lớn trên thế giới về mổ tuyến thượng thận. Kỹ thuật này cũng đã được đào tạo và chuyển giao cho các bác sĩ tuyến tỉnh.
Kỹ thuật phẫu thuật nội soi đã giúp giảm chi phí khám, điều trị cho người bệnh; thời gian nằm viện được rút ngắn; bệnh nhân được chăm sóc điều trị kỹ thuật cao ở ngay trong nước. Với những ca phẫu thuật lớn, phức tạp, phẫu thuật nội soi đã đem đến lợi ích vượt bậc so với mổ mở. GS Trần Bình Giang cũng là người đầu tiên thực hiện phẫu thuật nội soi thay đoạn động mạch chủ bụng, cắt khối tá tụy – vốn là những kỹ thuật khó, chỉ một số ít trung tâm lớn trên thế giới có thể thực hiện được.
Mỗi năm, Bệnh viện Việt Đức thực hiện gần 80.000 ca mổ, nhiều kỹ thuật mũi nhọn được triển khai như: Ghép đa tạng từ người cho chết não, ghép tim, phổi, gan, thận…
Các bác sĩ tim mạch Việt Nam – chủ tọa đoàn của nhiều hội nghị quốc tế lớn
Tiếp đến, phải nói đến lĩnh vực tim mạch Việt Nam với những kỹ thuật tiệm cận trình độ ngang bằng thế giới. Nhờ những kỹ thuật này, người dân Việt Nam mắc bệnh tim mạch không còn cần phải ra nước ngoài chữa bệnh.
PGS-TS Phạm Mạnh Hùng – Viện trưởng Viện Tim mạch Quốc gia – chia sẻ: “Cho đến giờ phút này, chúng tôi có thể khẳng định Viện Tim mạch Quốc gia, Bệnh viện Bạch Mai luôn đi đầu trong việc triển khai các kỹ thuật cao trong điều trị tim mạch. Chúng tôi đã và đang tiệm cận được với các kỹ thuật tiên tiến trên thế giới chứ không chỉ riêng trong khu vực”.
Trong những năm gần đây, Viện Tim mạch tiếp tục đẩy mạnh lĩnh vực tim mạch can thiệp – phẫu thuật tim mạch ít xâm lấn. Năm 2022, Viện Tim mạch vẫn tiếp tục triển khai các kỹ thuật tiên tiến như kỹ thuật thay van động mạch chủ qua đường ống thông, sửa van hai lá qua đường ống thông. Trước kia, với những người mắc bệnh lý này, chúng ta phải mổ tim mở để thay các van tim cho người bệnh. Trong khi đó, những người phải thay van tim thường là những người cao tuổi, bệnh trọng lại phải đối diện với một cuộc mổ phanh lồng ngực, thời gian nằm viện và hồi phục sức khỏe kéo dài. Nhưng với sự tiến bộ, làm chủ kỹ thuật ngày nay, các bác sĩ tim mạch can thiệp của Viện Tim mạch đã giúp bệnh nhân không phải đối diện với cuộc mổ phanh đó nữa.
Từng bước mày mò, với trí tuệ, niềm đam mê với can thiệp tim mạch, từng bước ngắn đã dệt nên dặm dài. Và đến hôm nay, chuyên ngành tim mạch Việt Nam tự tin hiên ngang sánh vai cùng các đồng nghiệp trên thế giới. Tại các hội nghị lớn như Hội nghị Tim mạch Mỹ, Hội nghị Tim mạch Châu Âu, đặc biệt là những Hội nghị Khoa học ở Châu Á như Hội nghị Tim mạch can thiệp Singapore năm 2022… Ban tổ chức đều mời Viện Tim mạch Quốc gia thực hiện một phiên báo cáo để chia sẻ kinh nghiệm của riêng Việt Nam về những mặt bệnh đặc thù.
“Chúng ta có thể tự tin nói rằng: Chuyên ngành Tim mạch Việt Nam đứng ngang bằng với các nước tiên tiến trong khu vực và ở Châu Á” – PGS Phạm Mạnh Hùng nói.
Bác sĩ nước ngoài sang Việt nam học kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp
Giúp ngành y học Việt Nam ghi dấu ấn đặc biệt trên bản đồ y khoa thế giới, trong những năm gần đây, không thể không kể đến PGS-TS Trần Ngọc Lương – nguyên Giám đốc Bệnh viện Nội tiết Trung ương. Ông là người đầu tiên của Việt Nam và của thế giới nghiên cứu và thực hiện thành công kỹ thuật mổ nội soi tuyến giáp độc đáo, khiến giới y học quốc tế ngưỡng mộ. Phương pháp này được chuyển giao, đào tạo cho các bác sĩ trong và ngoài nước nhiều nhất Việt Nam, mở ra hướng mới trong điều trị các bệnh lý về tuyến giáp.
Điều đặc biệt trong phương pháp mổ “Dr Lương” là sử dụng đường nách, ngực với những vết rạch nhỏ trên da, kích thước 0,5-1cm. Phương pháp mổ mở (cũ), vết sẹo thường dài 8 đến 12 cm ở cổ người bệnh. Kỹ thuật “Dr Lương” áp dụng cho tất cả bệnh lý tuyến giáp như bướu nhân, basedow, ung thư tuyến giáp, mổ được những bướu lớn mà không cần phải cắt bất cứ cơ cổ trước nào.
Ca mổ bằng kỹ thuật này chi phí chỉ bằng 1/25 so với các nước trong khu vực. Một ca mổ cắt thùy tuyến giáp tại Hàn Quốc hoặc Singapore tiến hành trong 2 giờ chi phí khoảng 8.000-10.000USD, mổ theo phương pháp “Dr Lương” tiến hành tại Bệnh viện Nội tiết Trung ương chỉ mất 30 phút, chi phí 300-400USD. Chỉ tính đến năm 2021, đã có hơn 300 giáo sư, bác sĩ ở 20 nước trên thế giới đã đến Bệnh viện Nội tiết Trung ương để học tập phương pháp mổ “Dr Lương”.
Ngoài phẫu thuật tuyến giáp, các kỹ thuật mổ khác cũng được bác sĩ Lương nghiên cứu và cải tiến như phẫu thuật đốt hạch giao cảm chữa chứng ra mồ hôi tay với thời gian mổ nhanh trong 3-4 phút; gây mê bằng ống nội khí quản một nòng, tiết kiệm tiền cho bệnh nhân. Các phẫu thuật tuyến nội tiết khác như u nội tiết tuyến tụy, u tuyến thượng thận… gần đây nhất là kỹ thuật nội soi u xơ tuyến vú, được bác sĩ Lương triển khai thành công tại bệnh viện.
* Trong thư gửi cán bộ, công chức, viên chức, người lao động ngành Y tế nhân kỷ niệm 68 năm Ngày Thầy thuốc Việt Nam (27.2), Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan nêu rõ, hơn 3 năm qua, không ngòi bút nào kể hết sự cống hiến, hy sinh, gian khổ, mất mát của những cán bộ, nhân viên y tế trong cuộc chiến với đại dịch COVID-19 – một cuộc chiến đầy cam go, vô vàn thách thức, chưa từng có tiền lệ trong lịch sử y tế Việt Nam.
Thế nhưng, “các thế hệ thầy thuốc trên mọi miền tổ quốc, từ trung ương đến địa phương, từ thành thị đến nông thôn, vùng biên giới, hải đảo, khu vực có điều kiện kinh tế – xã hội khó khăn đã luôn tận tụy với nghề, không ngừng nỗ lực, phấn đấu, trưởng thành và đạt nhiều thành tựu, trong đó có những thành tựu y học mang tầm vóc quốc tế” – Bộ trưởng nói.
* Nhờ chiến lược phát triển đúng hướng của các cây đa, cây đề chuyên ngành tim mạch như cố GS Đặng Văn Chung, cố GS Đỗ Đình Địch, cố PGS Bùi Thế Kỷ, cố GS Trần Đỗ Trinh, rồi đến các GS Phạm Gia Khải, GS Phạm Khuê, PGS Đinh Văn Tài và gần đây là GS Nguyễn Lân Việt, GS Đỗ Doãn Lợi… Ngày nay, chuyên ngành tim mạch của Việt Nam tự tin được khắc dấu trên bản đồ y học thế giới.
- Hạnh nhân rất tốt cho sức khỏe nhưng có một số người không nên ăn
- Dỡ hạn chế, Mỹ đùa với sóng Covid-19 thứ tư
- Số hotline các bệnh viện tại Tỉnh Bình Dương
- Phó Thủ tướng: Phải làm nghiêm, không thể vì một vài cá nhân mà gây thiệt hại cho toàn xã hội nếu dịch lan ra
- Quy định dành cho người cách ly y tế tại nhà, nơi cư trú