Những tác động tiêu cực của đại dịch Covid-19 đã ảnh hưởng không nhỏ đến sức khỏe và tinh thần của nhân viên y tế cả nước nói chung và Bình Dương nói riêng. Vượt lên trên những khó khăn, thách thức, cán bộ, nhân viên ngành Y tế Bình Dương đã từng bước củng cố lại tinh thần, nỗ lực hoàn thành tốt nhiệm vụ “chữa bệnh – cứu người” với những kết quả ấn tượng và mục tiêu xa hơn nữa là hiện thực hóa khát vọng trở thành trung tâm y tế của vùng.
Kỳ tích y khoa
Năm 2022, khi dịch Covid-19 cơ bản được kiểm soát, ngành Y tế Bình Dương tập trung triển khai các hoạt động thích ứng linh hoạt, an toàn, vừa tích cực kiểm soát, phòng, chống dịch hiệu quả, vừa thực hiện tốt công tác khám, chữa bệnh, đáp ứng nhu cầu chăm sóc, bảo vệ sức khỏe nhân dân. Cùng với những kết quả tích cực trong công tác phòng, chống dịch, ngành Y tế đã cơ bản hoàn thành các chỉ tiêu, nhiệm vụ thường xuyên. Công tác khám, chữa bệnh tiếp tục thực hiện đổi mới phong cách, nâng cao chất lượng phục vụ, hướng tới sự hài lòng của người bệnh.
Trong những thành tựu chung của ngành phải kể đến ca nối thành công cẳng chân bị đứt lìa sau một tuần cấy ghép “nuôi” ở chân lành do ekip bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương thực hiện.
Ngày 31/12/2022, anh Mai Văn Đẹt (41 tuổi) bị tai nạn giao thông, được đưa vào cấp cứu tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh trong tình trạng tỉnh táo, đứt rời 1/3 cẳng chân phải, phần cơ bị dập nát, không được sơ cứu và bảo quản, dính nhiều dị vật là đất, cát; kèm theo chấn thương ở đầu và ngực khá nghiêm trọng. Sau khi cấp cứu hồi sức cho bệnh nhân, các bác sĩ Khoa Chấn thương chỉnh hình, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hội chẩn khẩn và chỉ định nuôi giữ cẳng chân phần đứt lìa vào chân lành để chờ nối lại giúp người bệnh có cơ hội giữ chân, tránh tàn phế.
Hơn 1 tuần “nuôi” ở chân lành, các bác sĩ đã phẫu thuật nối lại cẳng chân dập đứt lìa cho bệnh nhân. Ca phẫu thuật thực hiện trong 15 giờ đồng hồ do Bác sĩ chuyên khoa II Võ Thái Trung – Phó Trưởng Khoa Chấn thương chỉnh hình là phẫu thuật viên chính.
Ca phẫu thuật ghép nối chân thành công tại Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương đã tạo nên tiếng vang lớn vì đây là lần đầu tiên kỹ thuật này được thực hiện ở Việt Nam và là ca ghép chi thứ 2 trên thế giới. Thành công của ca phẫu thuật đã đem lại hy vọng, niềm vui cho bệnh nhân, người nhà bệnh nhân, tạo sự lan tỏa và củng cố thêm niềm tin của người dân vào khả năng chuyên môn của ngành Y tế tỉnh nhà. Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi đã đến thăm hỏi tình hình bệnh nhân và động viên, chúc mừng ekip thực hiện ca phẫu thuật và cá nhân bác sĩ Võ Thái Trung ngay sau thành công của ca phẫu thuật.
Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi thăm hỏi, động viên ekip bác sĩ và bệnh nhân sau thành công của ca phẫu thuật ghép cẳng chân
Kết quả ca phẫu thuật ghép chi được đánh giá là “kỳ tích y khoa” này đã minh chứng sinh động cho sự thành công của y tế kỹ thuật cao tại Bình Dương. Không chỉ đầu tư cơ sở vật chất, trang thiết bị hiện đại, yếu tố con người – nguồn nhân lực chất lượng cao được tỉnh ưu tiên hàng đầu với mục tiêu tăng cường ứng dụng kỹ thuật chuyên sâu trong chẩn đoán và điều trị bệnh nặng.
PGS.TS.Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu – Giám đốc Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương cho biết, nhằm tăng cường hoạt động chuyển giao các kỹ thuật cao, Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã hợp tác với các bệnh viện trong và ngoài nước, tổ chức các hội thảo, hội nghị tham vấn. Nhiều bác sĩ, giáo sư đầu ngành đã về Bình Dương chia sẻ kinh nghiệm và chuyển giao kỹ thuật mới theo phương thức “cầm tay chỉ việc”. Bệnh viện cũng đã gửi các bác sĩ trẻ đi học tập tại các bệnh viện lớn như Bệnh viện Chợ Rẫy, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội… Đặc biệt, bước quan trọng nhất, theo Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu đó là khơi dậy, phát huy tối đa khả năng của chính các bác sĩ tại Bệnh viện. “Tôi rất tự hào khi Bệnh viện Đa khoa tỉnh đã thực hiện thành công các ca phẫu thuật khó, tạo nên kỳ tích y khoa” – Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu chia sẻ.
Tiếp tục thu hút “nhân tài”
Bên cạnh những kết quả đạt được, đại dịch Covid- 19 cũng đã làm bộc lộ nhiều khó khăn, hạn chế của ngành Y tế cả nước. Năm 2022, ngành Y tế đối mặt với những cuộc khủng hoảng thiếu thuốc, vật tư y tế; đấu thầu, mua sắm trang thiết bị y tế; hàng loạt nhân viên y tế nghỉ việc…
Tại Bình Dương, một số nhân viên y tế có tay nghề và thâm niên ở khu vực công nghỉ việc hoặc chuyển sang y tế tư nhân, đặc biệt là những bác sĩ, chuyên viên, kỹ thuật viên, điều dưỡng viên có kinh nghiệm, trình độ chuyên môn. Việc tuyển mới điều dưỡng, hộ sinh, kỹ thuật viên gặp khó do đặc thù ngành học vất vả, không có điều kiện làm thêm để tăng thu nhập như bác sĩ.
Tình hình thiếu thuốc, vật tư y tế, hoá chất xét nghiệm gây khó khăn cho công tác khám, chữa bệnh. Nhiều người có kinh nghiệm trong công tác đấu thầu đã xin nghỉ việc, cán bộ, công chức, viên chức e ngại khi tham gia vào công tác đấu thầu mua sắm thuốc, vật tư, trang thiết bị y tế…
Bình Dương đang thiếu nhân viên y tế có tay nghề
Để giải quyết “bài toán” nguồn nhân lực, trong khi chờ đợi các chính sách của Trung ương về cải cách tiền lương để cải thiện thu nhập, giữ chân nhân viên y tế, các sở ngành đang tham mưu UBND tỉnh trình HĐND tỉnh sửa đổi, bổ sung hoặc thay thế các chính sách thu hút, hỗ trợ cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế tại Nghị quyết số 05/2019/NQ-HĐND về chính sách thu hút, chế độ hỗ trợ đào tạo, bồi dưỡng nâng cao chất lượng nguồn nhân lực tỉnh Bình Dương và Quyết định số 33/2012/QĐ-UBND về quy định chính sách, chế độ hỗ trợ đối với cán bộ, công chức, viên chức ngành Y tế tỉnh Bình Dương.
Về lâu dài, theo Bác sĩ Nguyễn Lân Hiếu, tỉnh cần chú trọng đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực y tế. Việc đào tạo thực hiện theo 3 nhóm mô hình: Nhóm đào tạo ngắn hạn trang bị các kiến thức cần thiết, khẩn cấp như cấp cứu ngừng tuần hoàn ngoại viện, chăm sóc trẻ sốt xuất huyết…; nhóm đào tạo trung hạng là các khoá học cấp chứng chỉ hành nghề về nội soi, siêu âm, can thiệp, phẫu thuật và đào tạo dài hạn về chuyên khoa II, chuyên khoa I, thạc sĩ, tiến sĩ. Thông qua các hoạt động đào tạo, các bác sĩ, điều dưỡng, nhân viên y tế vừa có cơ hội học tập, vừa có cơ hội cống hiến và nâng cao thu nhập. Nếu hoạt động đào tạo thường xuyên, liên tục sẽ góp phần cung ứng nguồn nhân lực bền vững cho ngành Y tế tỉnh.
Bình Dương tiếp tục thực hiện các chính sách thu hút “nhân tài” trong lĩnh vực y tế
Chia sẻ với những khó khăn của ngành Y tế, Bí thư Tỉnh ủy lưu ý ngành cần chú trọng tăng cường công tác xây dựng củng cố tổ chức Đảng, đoàn kết, hỗ trợ lẫn nhau vì mục tiêu chung; sắp xếp, kiện toàn bộ máy tổ chức các đơn vị trực thuộc. Tiếp tục hoàn thiện Đề án “Phát triển tổng thể ngành Y tế tỉnh Bình Dương đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050” tạo cơ sở triển khai các mục tiêu, nhiệm vụ và phát triển của ngành và của tỉnh. Ban cán sự Đảng UBND tỉnh chỉ đạo UBND tỉnh chủ trì làm việc với các sở ngành tháo gỡ ngay các vướng mắc, nỗ lực đưa Bệnh viện Đa khoa 1.500 giường đi vào hoạt động vào cuối năm 2023. Trên cơ sở đó triển khai từng bước xây dựng bệnh viện thông minh, quy hoạch mạng lưới y tế hướng tới phát triển tỉnh thành trung tâm y tế của vùng.
Hiện thực hoá khát vọng đưa y tế Bình Dương trở thành trung tâm y tế của vùng không phải là nhiệm vụ có thể thực hiện trong ngày một ngày hai. Hệ thống y tế toàn tỉnh phải thẳng thắn nhìn nhận những hạn chế, thiếu sót để học tập, để thay đổi, để phát triển đồng bộ. Tuy nhiên, để Y tế Bình Dương “vươn mình” không chỉ là sự cố gắng nỗ lực của ngành Y tế mà cần đến sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy Đảng, chính quyền; sự tham gia phối hợp của các ngành, tổ chức, đoàn thể và sự đồng tình ủng hộ của các tầng nhân dân toàn tỉnh. “Đảng phải lãnh đạo, chính quyền phải điều hành, cả hệ thống chính trị phải vào cuộc chung tay đưa ngành Y tế tỉnh nhà phát triển ngày càng toàn diện và hiện đại” – Bí thư Tỉnh ủy Nguyễn Văn Lợi nhấn mạnh.
Bình Dương đang xây dựng Đề án phát triển tổng thể ngành Y tế Bình Dương đến năm 2030. Đề án nhằm kiện toàn và nâng cao năng lực toàn bộ hệ thống y tế bao gồm: Y tế cơ sở, y tế chuyên sâu tuyến tỉnh và huyện, y tế dự phòng, y tế ngoài công lập. Thu hút, đào tạo, bồi dưỡng, đãi ngộ nhân lực y tế chất lượng cao ở tất cả các chuyên khoa, các tuyến, tạo nguồn nhân lực y tế có kỹ thuật chuyên môn sâu, đủ về số lượng, đảm bảo chất lượng, hợp lý về cơ cấu giữa các chuyên ngành. Nâng cấp năng lực cung ứng dịch vụ của của các đơn vị y tế; đảo đảm mọi người dân đều được quản lý, chăm sóc sức khoẻ; nâng cao cả về thể chất và tinh thần, tầm vóc, tuổi thọ, chất lượng cuộc sống của người dân.
Mục tiêu cụ thể của Đề án là phát triển tối thiểu 5.000 giường bệnh; trong đó, thành lập mới 4 bệnh viện chuyên khoa: Sản, Nhi, Lao – Bệnh Phổi – Truyền nhiễm, Tâm Thần (ít nhất 02 bệnh viện được thành lập trước năm 2025); nghiên cứu phát triển Trung tâm tim mạch, Trung tâm ung bướu thuộc Bệnh viện Đa khoa tỉnh; xây mới bệnh viện tuyến cuối quy mô 2.000 giường; nâng cấp quy mô giường bệnh tại các Trung tâm y tế huyện; số giường bệnh của y tế ngoài công lập chiếm 45%. Đảm bảo cơ sở mới cho các Trung tâm chuyên khoa tuyến tỉnh, giữ nguyên số lượng phòng khám đa khoa khu vực, tiếp tục xây mới theo tiêu chuẩn lầu hóa các Trạm Y tế, đồng thời nâng cấp, cải tạo, chỉnh trang các Trạm Y tế theo yêu cầu của Bộ Y tế, chú trọng chỉnh trang về hình thức.
Đào tạo và tuyển dụng mới 2.500 nhân viên y tế có trình độ từ đại học trở lên (trong đó, ít nhất 1.250 tại các cơ sở y tế công lập); đảm bảo tỷ lệ điều dưỡng, kỹ thuật viên/bác sĩ là 3:1.
Bệnh viện Đa khoa tỉnh là bệnh viện tuyến cuối, có ít nhất 01 bệnh viện tuyến huyện là bệnh viện hạng I (Thuận An hoặc Dĩ An), đến năm 2025 có ít nhất 02 bệnh viện từ hạng II; các bệnh viện công lập trên địa bàn trở thành cơ sở đào tạo, thực hành của các trường đào tạo trong lĩnh vực Y – Dược đóng trên địa bàn cũng như một số cơ sở tại các thành phố lớn. Phấn đấu đến năm 2030, tỷ lệ người dân hài lòng với dịch vụ y tế đạt trên 95%; 11 bác sĩ/vạn dân; 33 điều dưỡng/vạn dân…