Chủ đề công tác năm 2020: "Tuổi trẻ Bình Dương Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021)

Bình Dương nỗ lực kiểm soát dịch sốt xuất huyết

 Hiện nay, tại Bình Dương, dịch bệnh sốt xuất huyết đang có chiều hướng gia tăng và đã có nhiều ca tử vong. Số lượng ca bệnh trở nặng tăng hàng ngày gây áp lực không nhỏ cho công tác điều trị của tỉnh này.

“Con bị sau đó lây cho vợ và giờ tới mình. Triệu chứng ban đầu tưởng cảm bình thường vì hơi xây xẩm mặt mày, nhức đầu nhưng qua mấy ngày sau mới nặng và nhập viện”.

“Sáng nóng, chiều lạnh nên tưởng cảm mới tự mua thuốc uống. Ngày thứ 3 bắt đầu ói nên tôi đi xét nghiệm thì biết mình bị sốt xuất huyết”.

“Bị ngày đầu tiên đi khám và bác sĩ kết luận sốt xuất huyết. Truyền nước 3 ngày thấy hơi đỡ nhưng đến ngày thứ 4 thì bị xuất huyết dạ dày nên giờ lo lắm, sợ lắm!”.

Đó là lời kể của các bệnh nhân sốt xuất huyết nặng đang được điều trị tại khoa Nhiễm – Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương. Có thể thấy, từ sự chủ quan của các bệnh nhân dẫn đến số ca bệnh chuyển nặng nhập viện tăng. Mỗi ngày khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương tiếp nhận từ 70 – 90 bệnh nhân từ tuyến dưới chuyển lên. Số ca nhập viện tăng nên bác sĩ, y tá ở đây phải căng mình làm việc, không để tình trạng bệnh trở nặng.

Theo bác sĩ Phạm Anh Tuấn – Trưởng khoa Nhiễm, Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương, khi xuất hiện các dấu hiệu cảnh báo như: lừ đừ, nôn ói, đau bụng, đang sốt cao đột ngột hạ nhiệt độ, tiêu chảy, chảy máu răng, máu cam, đối với phụ nữ thì có xuất huyết âm đạo… bệnh nhân không đi khám mà tự đến các cửa hàng mua thuốc uống. Sau nhiều ngày không khỏi mới đến bệnh viện thì lúc đó bệnh đã chuyển nặng hơn và gây nguy hiểm cho tính mạng.

Bác sĩ Phạm Anh Tuấn khuyến cáo: “Khi sốt có triệu chứng đừng chủ quan mà phải đi khám và nên nhập viện sớm. Đặc biệt là những thể trạng dư cân, béo phì, những người bệnh nền (huyết áp, tiểu đường, động kinh, có thai)… những đối tượng đó dễ rơi vào bệnh nặng. Bệnh nặng còn do cách điều trị sai từ ở nhà, trạm y tế tư nhân không tuân thủ phác đồ điều trị sốt xuất huyết của Bộ Y tế”.

Với hơn 1.100 ca mắc ở gần 200 ổ dịch, trong đó có 5 trường hợp tử vong, thành phố Dĩ An được xem là một trong các địa bàn “nóng” của tỉnh Bình Dương về tình hình sốt xuất huyết. Số ca mắc cao nhất tập trung ở các địa bàn đông lao động nhập cư như phường Dĩ An, Đông Hoà, Tân Đông Hiệp, Tân Bình. Điều đáng chú ý, nếu như những năm trước số ca bệnh chỉ tập trung chủ yếu ở trẻ em, thì năm nay xuất hiện nhiều ở người lớn.

Bác sĩ Lê Thị Thu Hảo – Phó Giám đốc Trung tâm Y tế thành phố Dĩ An cho biết, để nhanh chóng dập dịch khi phát hiện ổ dịch, cán bộ y tế đã tiến hành xử lí, phun xịt hóa chất khử khuẩn nhằm không để lây nhiễm chéo. Bên cạnh đó, tránh gây quá tải cho tuyến trên, Trung tâm đã chuẩn bị đầy đủ trang thiết bị, thuốc, vật tư y tế để cứu chữa các trường hợp nặng.

 “Trung tâm Y tế Dĩ An có 1 khoa nhiễm chuyên điều trị bệnh nguy hiểm như sốt xuất huyết, tay chân miệng. Bác sĩ được cập nhật kiến thức liên tục về phác đồ điều trị sốt xuất huyết. Tất cả người dân có sốt đến khám ở bệnh viện được sàng lọc sốt xuất huyết. Khi bệnh nhân có những tiêu chuẩn đủ để nhập viện ngay lập tức được nhập viện theo dõi, không để chuyển độ nặng ở nhà để giảm tỷ lệ tử vong”.

Vừa truyền thông phòng chống vừa sẵn sàng ứng phó

Tính đến cuối tháng 6, Bình Dương ghi nhận hơn 6.500 ca mắc sốt xuất huyết, tăng 37,4% so với cùng kỳ năm 2021 ở gần 1.180 ổ dịch khắp các địa phương trong tỉnh. Trong số các ca mắc, đã có 8 trường hợp tử vong (thành phố Dĩ An 5 ca, thị xã Tân Uyên 2 ca và thành phố Thuận An 1 ca).

Một trong những giải pháp được Bình Dương thực hiện là tuyên truyền nâng cao ý thức của người dân trong việc giữ gìn vệ sinh môi trường thông qua Chiến dịch diệt lăng quăng, tổng vệ sinh môi trường. Công tác điều trị được các trung tâm y tế, bệnh viện trong tỉnh thực hiện theo phác đồ của Bộ y tế; chuẩn bị thuốc, vật tư để sẵn sàng cứu chữa cho bệnh nhân.

Bên cạnh đó, Bình Dương cũng đã thực hiện việc thả muỗi vằn mang vi khuẩn Wolbachia gần 3.000 điểm. Sau khi được thả ra, muỗi vằn mang Wolbachia sẽ giao phối với muỗi hoang dã tại địa phương và giúp truyền Wolbachia trong đàn muỗi. Bằng cách này, dần dần nhóm muỗi vằn mang Wolbachia trong tự nhiên sẽ được nhân lên ngày càng nhiều, từ đó sẽ giúp ngăn ngừa lây lan dịch bệnh sốt xuất huyết và các bệnh nguy hiểm do muỗi vằn.

Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế tỉnh Bình Dương cho biết, sốt xuất huyết là bệnh do virus nhưng tác nhân chính là truyền từ người bệnh qua người lành bởi loại muỗi vằn. Để phòng chống sốt xuất huyết hiệu quả, từng người dân cũng cần nâng cao ý thức tự phòng, chống, với phương châm “không có lăng quăng, không có sốt xuất huyết”.

“Sốt xuất huyết không phải ngành y tế chống mà cả hệ thống chính quyền, đoàn thể hệ thống chính trị chống và quan trọng người dân phải chống thì mới dập được dịch. Ý thức của chúng ta còn lơ là, do vậy đề nghị người dân phải chung tay tiêu diệt lăng quăng, tuyệt đối xung quang nhà không để bùn lầy, nước đọng. Những nơi nào có phải tiêu diệt lăng quăng, bởi đây là cái gốc của sốt xuất huyết”, Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương nói.

Theo dự báo của Trung tâm Kiểm soát bệnh tật tỉnh Bình Dương, dịch sốt xuất huyết còn tăng khi hiện nay đang vào cao điểm mùa mưa. Một trong những ổ dịch khó xử lí là tại các khu nhà trọ đông công nhân, chật hẹp và ẩm ướt. Vì vậy, để kéo giảm số ca mắc sốt xuất huyết song song với việc tuyên truyền đến người dân, công nhân ở trọ thì phải liên tục kiểm tra, nhắc nhở, xử phạt nếu trường hợp nào cố tình “nuôi” muỗi để bùng phát dịch theo Điều 6, mục 1, chương II, Nghị định số 117/2020 của Thủ tướng Chính phủ trong lĩnh vực y tế./.

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *