Là địa phương có số dân phân bổ trên địa hình đa dạng, mật độ dân số cao tại các nhà máy, khu công nghiệp, lại giữ vị trí trung tâm cửa ngõ TP.HCM về phía Tây, việc lây lan dịch bệnh Covid-19 trên địa bàn ở diện rộng là điều khó tránh khỏi, đòi hỏi Bình Dương luôn thường trực phương án và triển khai quyết liệt các giải pháp phòng, chống.
“Huy động tối đa nguồn lực y tế, cứu chữa tích cực kịp thời”
Đó là chỉ đạo của UBND tỉnh về nhiệm vụ phòng, chống dịch Covid-19 trong tình hình mới, đảm bảo tính kịp thời, hiệu quả và chất lượng, trong đó nhấn mạnh yêu cầu đảm bảo đầy đủ các trang thiết bị, đặc biệt là nguồn oxy và các loại máy thở cho người bệnh, tận dụng thời gian vàng để cứu chữa, điều trị các ca F0.
Chăm sóc điều trị một ca F0 tại TP. Thủ Dầu Một. Ảnh: binhduong.gov.vn |
Để đáp ứng yêu cầu cứu chữa nhanh và hiệu quả, nguồn nhân lực y tế cần phải được chỉ đạo huy động tối đa trong tỉnh, khi tiếp nhận lực lượng chi viện, cần tổ chức, điều phối thật khoa học, đặc biệt là tham vấn ngay ý kiến tư vấn của chuyên gia Bộ Y tế. Các bệnh viện điều trị bắt buộc phải thu dung, điều trị người bệnh.
Song song đó, Tổng đài đường dây nóng 1022 trực chiến 24/24, đảm bảo kịp thời tiếp nhận, xử lý thông tin, chỉ đạo hiệu quả. Đội phản ứng nhanh phải thực hiện đúng, phản ứng nhanh theo yêu cầu đặt ra, trang bị đủ biên chế, trang thiết bị và phương tiện cơ động để hoàn thành nhiệm vụ.
Các sở Công Thương, Giao thông Vận tải đảm bảo cung cấp đầy đủ hàng hóa thiết yếu đến tất cả người dân. Sở LĐTB&XH thực hiện ngay Nghị quyết 68/NQ-CP của Chính phủ đảm bảo chính sách xã hội cho người dân và công nhân lao động nghỉ việc, mất việc.
Tăng cường kiểm tra, giám sát công tác phòng, chống dịch Covid-19 của doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh theo phương án sản xuất “3 tại chỗ”, “1 cung đường – 2 địa điểm”; ngưng sản xuất, hoạt động đối với các đơn vị không đảm bảo yêu cầu phòng, chống dịch.
Đặc biệt, thực hiện nghiêm Chỉ thị 16 với các biện pháp cao hơn, quyết liệt hơn, nhất là kiểm tra chặt chẽ giãn cách giữa người với người, gia đình gia đình, khu phố với khu phố,….; thực hiện quyết liệt hơn các biện pháp đảm bảo an ninh, chính trị, trật tự, an toàn xã hội.
Xét nghiệm sàng lọc diện rộng để thu hẹp “vùng đỏ”
Giải pháp thu hẹp “vùng đỏ” là chiến lược đang được tỉnh Bình Dương tiếp tục đẩy mạnh thông qua phương án rà soát lấy mẫu xét nghiệm trên diện rộng các khu vực như nhà trọ công nhân, công ty.
Theo đó, ngành y tế thực hiện chiến dịch lấy mẫu xét nghiệm sàng lọc Covid-19 bằng phương pháp test nhanh kháng nguyên kết hợp Realtime-PCR cho 1,8 triệu người dân trên địa tỉnh, trong đó ưu tiên triển khai test nhanh tại các nhà máy, xí nghiệp và tầm soát bằng phương pháp lấy mẫu gộp cho người dân sinh sống trong các khu vực có nguy cơ cao trong cộng đồng. Đảm bảo “làm đến đâu chắc đến đó”, xét nghiệm chính xác, trả kết quả nhanh.
Hiện qua sàng lọc diện rộng 945.904 người (ngày 26/7), phát hiện 10.007 trường hợp nghi ngờ dương tính với SARS-CoV-2. Riêng ngày 26/7, Bình Dương ghi nhận tổng cộng 733 ca mắc mới, đáng chú ý, trong số 733 ca mắc, có 210 ca qua sàng lọc cộng đồng; 78 ca phát hiện tại cơ sở y tế; 268 ca phát hiện trong khu cách ly, 177 ca trong khu phong tỏa và 10 ca từ các nguồn lây từ tỉnh, thành phố khác.
Trong đó, “Vùng đỏ” được xác định gồm 4 thành phố, thị xã với số ca mắc mới khá lớn (TP. Dĩ An 355; TP. Thủ Dầu Một 61; TP. Thuận An 45; thị xã Tân Uyên 91). Tuy nhiên, 2 “vùng vàng” là thị xã Bến Cát cũng có 133 ca và huyện Bàu Bàng 28 ca. Các “vùng xanh” như huyện Dầu Tiếng 8 ca, huyện Bắc Tân Uyên 1 ca, huyện Phú Giáo 1 ca. Hiện ngành y tế tỉnh đang điều phối các ca mắc mới sang các khu điều trị và một số bệnh nhân F0 không triệu chứng vẫn còn cách ly tại các khu cách ly tạm thời. Đến nay, khu vực bệnh viện dã chiến đã tiếp nhận gần 700 trường hợp mắc Covid-19 đưa vào điều trị.
Phân tầng F0
Hiện Bình Dương có khoảng 80% ca F0 không triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ. Để bảo đảm thực hiện tốt công tác chăm sóc, điều trị F0, Bình Dương thực hiện mô hình điều trị “tháp 3 tầng”. Trong đó, tầng 1 tiếp nhận các trường hợp F0 không có triệu chứng hoặc triệu chứng nhẹ với tổng số khoảng 6.000 giường và có thể mở rộng khi cần với các khu tiếp nhận như: Ký túc xá Đại học Quốc gia (1.000 giường), Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 (1.500 giường), Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 2 (1.000 giường), Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 3 ở trường Đại học Việt Đức (phường Thới Hòa, thị xã Bến Cát) khoảng 3.000 giường và có thể mở rộng lên 8.000 giường.
Khẩn trương hoàn thiện, đưa vào hoạt động Bệnh viện dã chiến số 2 (trong KCN Thới Hòa) công suất 6.000 giường |
Tầng 2 tiếp nhận điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nhẹ, vừa, với khoảng 3.500 giường và tiếp tục mở rộng thêm. Cụ thể, các Trung tâm y tế các huyện, thị, thành phố sẵn sàng cơ số giường bệnh: TP. Thuận An 500 giường, huyện Phú Giáo 400 giường, thị xã Tân Uyên 400 giường, TP. Dĩ An 200 giường, thị xã Bến Cát 400 giường, huyện Bàu Bàng 400 giường, huyện Dầu Tiếng 200 giường, Bệnh viện dã chiến Bình Dương số 1 (1.500 giường), khu nhà xưởng khởi nghiệp Đại học Quốc tế Miền Đông 1.500 giường.
Tầng 3 tiếp nhận, điều trị bệnh nhân Covid-19 mức độ nặng và nguy kịch với khoảng 1.000 giường và tiếp tục mở rộng. Đó là Bệnh viện Đa khoa tỉnh (cơ sở phường Phú Chánh, thị xã Tân Uyên) với khoảng 1.000 giường, Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Becamex 100 giường và các bệnh viện ngoài công lập khác mỗi bệnh viện 20 giường.
Hiện ngành y tế đang dự kiến triển khai một số cơ sở hồi sức, cấp cứu bệnh nhân Covid-19 theo yêu cầu. Các đơn vị này tiếp nhận bệnh nhân Covid-19 nặng, nguy kịch và các trường hợp nguy kịch cần xin hỗ trợ của tuyến trên hoặc lực lượng hỗ trợ đặc biệt của Bộ Y tế.
Niềm tin chiến thắng từ sự chung tay
Kể từ khi dịch bùng phát trên địa bàn tỉnh tới nay, hàng trăm cán bộ y tế Hải Dương, Thừa Thiên – Huế, Phú Thọ, Lâm Đồng và gần 2.000 thanh niên tình nguyện Lâm Đồng đã có mặt tại Bình Dương hỗ trợ công tác phòng, chống dịch.
Đoàn cán bộ y tế Thừa Thiên – Huế xuất quân vào Bình Dương |
Lâm Đồng mới hỗ trợ Bình Dương 25 tấn rau, củ, quả; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam phối hợp với Hội Doanh nhân trẻ Bình Dương trao tặng 3 nghìn khẩu trang y tế N95, hơn 3.500 bộ đồ phòng dịch từ cấp 2 đến cấp 4 với tổng giá trị hơn 570 triệu đồng cho lực lượng y tế tuyến đầu; Hội Doanh nhân trẻ tỉnh Bình Dương đã vận động doanh nghiệp trực tiếp đóng góp 7 tỷ đồng vào Quỹ phòng, chống Covid-19 và nhiều phần quà thiết yếu trị giá hơn 4 tỷ đồng; Hội Doanh nhân trẻ Việt Nam ủng hộ hơn 10 tỷ đồng cho các hoạt động phòng, chống dịch Covid-19… Tổng giá trị các ủng hộ trên là 215 tỷ đồng; trong đó, có hơn 100 tỷ đồng tiền mặt cùng các hàng hóa, trang thiết bị, vật tư y tế trị giá 115 tỷ đồng.
Những nguồn lực đóng góp này đã phân bổ kịp thời cho tuyến đầu chống dịch trên địa bàn tỉnh, góp phần cùng chính quyền nỗ lực ngăn chặn, kiểm soát dịch hiệu quả.
- Dị ứng thực phẩm các dấu hiệu thường gặp
- Ngày 27-11 Bình Dương có 1.014 bệnh Covid-19 khỏi bệnh
- Sau đại dịch COVID-19, lĩnh vực y tế đã bộc lộ những khó khăn, tồn tại
- Ngành Y tế Bình Dương phát thông báo tìm người từng đến những địa điểm liên quan đến các ca mắc Covid-19 mới tại Bình Dương.
- Năm 2022, ngành y tế tỉnh Bình Dương sẽ đào tạo thêm 135 bác sĩ chuyên khoa