Trí tuệ nhân tạo (AI) đang dần khẳng định vai trò quan trọng trong ngành y tế Việt Nam, mang lại những cải tiến vượt bậc trong chẩn đoán, điều trị và quản lý nguồn lực. Tuy nhiên, hành trình ứng dụng AI vẫn đối mặt nhiều thách thức về công nghệ và chính sách.
Nhiều ca bệnh nguy hiểm được phát hiện nhờ ứng dụng công nghệ tiên tiến
Bệnh nhân Nguyễn Hữu Chỉnh (44 tuổi, Hải Phòng) đối mặt với nhiều vấn đề sức khỏe nghiêm trọng như dị dạng mạch máu não, tăng huyết áp, viêm gan B. Anh đã trải qua các chẩn đoán chuyên sâu như chụp MSCT mạch não, X-quang phổi, siêu âm ổ bụng và tuyến giáp, cùng các xét nghiệm sinh hóa, huyết học và đo tải lượng virus viêm gan B. Nhờ quy trình nhanh chóng và tư vấn tận tình của đội ngũ y bác sĩ, anh được hướng dẫn cụ thể về phương pháp kiểm soát huyết áp và điều trị viêm gan, chuẩn bị cho kế hoạch can thiệp mạch máu não.
Bệnh nhân Mai Văn Tiến (40 tuổi, Thanh Hóa) phát hiện ung thư đại trực tràng qua quá trình khám tổng quát, nhờ sự hỗ trợ của trí tuệ nhân tạo (AI). AI được tích hợp trong quy trình sàng lọc và ra quyết định lâm sàng, giúp cá nhân hóa phác đồ điều trị dựa trên dữ liệu gen và các yếu tố liên quan.
PGS.TS.BS Phạm Cẩm Phương – Giám đốc Trung tâm Y học hạt nhân và Ung bướu, Bệnh viện Bạch Mai – nhấn mạnh, vai trò quan trọng của AI trong điều trị ung thư, đặc biệt là ung thư đại trực tràng. Bà cho biết, AI hỗ trợ bác sĩ trong chẩn đoán hình ảnh, giải phẫu bệnh và phân tích dữ liệu gen, từ đó giúp lựa chọn phương pháp điều trị đích và miễn dịch tối ưu. Việc này không chỉ nâng cao hiệu quả điều trị mà còn giảm thiểu tác dụng phụ, cải thiện chất lượng sống của bệnh nhân.
AI được ứng dụng rộng rãi trong nhiều lĩnh vực y khoa tại Việt Nam. Tại Trung tâm Đột quỵ, Bệnh viện Bạch Mai, AI giúp cập nhật các phương pháp điều trị tiên tiến, cải thiện đáng kể chất lượng chăm sóc bệnh nhân đột quỵ. Theo PGS.TS Mai Duy Tôn, AI cung cấp thông tin chính xác và kịp thời, hỗ trợ bác sĩ trong quyết định lâm sàng.
PGS.TS Đào Việt Hằng – Trung tâm Nội soi, Bệnh viện Đại học Y Hà Nội – chia sẻ rằng, AI đang thay đổi cách tiếp cận trong chẩn đoán và điều trị nhiều bệnh lý. Công nghệ này giúp phát hiện sớm ung thư gan qua CT-scan hoặc cộng hưởng từ, chẩn đoán tổn thương nội soi chính xác hơn, đồng thời giảm sai sót trong phân tích giải phẫu bệnh. AI còn được ứng dụng trong các ứng dụng trên smartphone để hỗ trợ bệnh nhân quản lý các bệnh mãn tính như tiểu đường, tăng huyết áp và viêm gan B.
Hiện nay, nhiều bệnh viện lớn đã tích cực ứng dụng AI để nâng cao chất lượng dịch vụ y tế. Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 sử dụng AI trong chẩn đoán hình ảnh, hỗ trợ phát hiện sớm các bệnh lý nguy hiểm. Bệnh viện Hùng Vương triển khai AI CerviCare trong tầm soát ung thư cổ tử cung, mang lại kết quả nhanh chóng và chính xác. Bệnh viện Đa khoa Quốc tế Vinmec ứng dụng AI trên các hệ thống chụp cắt lớp hiện đại, giúp phát hiện tổn thương ở các vị trí khó quan sát, hỗ trợ chẩn đoán sớm các bệnh lý như đột quỵ, bệnh tim mạch, ung thư.
Đặc biệt, Bệnh viện K đã sử dụng robot phẫu thuật tích hợp AI để thực hiện các ca mổ phức tạp, giảm thiểu tổn thương và nâng cao hiệu quả điều trị ung thư. Các bước tiến này cho thấy AI không chỉ cải thiện chất lượng chẩn đoán và điều trị mà còn góp phần quan trọng vào việc chăm sóc sức khỏe toàn diện cho người dân.
Việc tích hợp AI vào các hoạt động y khoa đang mở ra kỷ nguyên mới cho ngành y tế tại Việt Nam. Từ việc hỗ trợ chẩn đoán, điều trị cá thể hóa, đến quản lý sức khỏe từ xa qua các ứng dụng thông minh, AI ngày càng chứng tỏ giá trị to lớn trong nâng cao chất lượng sống và sức khỏe cộng đồng. Những thành tựu này khẳng định sự nỗ lực không ngừng của các cơ sở y tế trong việc áp dụng công nghệ tiên tiến, đưa Việt Nam tiệm cận với tiêu chuẩn quốc tế.
Ứng dụng AI trong y tế tại Việt Nam: Cơ hội và thách thức
PGS.TS Đào Việt Hằng nhấn mạnh, AI đang ngày càng khẳng định vai trò quan trọng trong lĩnh vực y tế tại Việt Nam, mang lại nhiều cơ hội lớn. Với dân số đông đảo và nhu cầu chăm sóc sức khỏe không ngừng tăng, AI có tiềm năng tạo ra những đột phá quan trọng.
Các công nghệ như học máy, xử lý ngôn ngữ tự nhiên và chatbot y tế không chỉ cải thiện trải nghiệm của bệnh nhân mà còn giúp tối ưu hóa quy trình hoạt động tại các bệnh viện. Bên cạnh đó, các chính sách hỗ trợ chuyển đổi số quốc gia cũng tạo điều kiện thuận lợi để AI thâm nhập sâu hơn vào hệ thống y tế.
Tuy nhiên, việc ứng dụng AI vẫn đối mặt với nhiều thách thức. Rào cản lớn nhất là cơ sở hạ tầng công nghệ chưa đồng bộ, chi phí đầu tư ban đầu cao và sự thiếu hụt nguồn nhân lực chất lượng cao. Hơn nữa, vấn đề bảo mật dữ liệu y tế và xây dựng lòng tin của cộng đồng đối với các giải pháp AI cũng là những yêu cầu cấp bách cần giải quyết.
Để phát huy tiềm năng của AI trong y tế, Việt Nam cần tập trung đầu tư vào hạ tầng công nghệ, đẩy mạnh đào tạo nguồn nhân lực, và xây dựng khung pháp lý chặt chẽ. Những nỗ lực này không chỉ giúp AI phát triển bền vững mà còn đảm bảo lợi ích lâu dài cho cộng đồng và hệ thống y tế quốc gia.
Nguồn: https://laodong.vn