Đây là cảnh báo của Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh trước nguy cơ số ca mắc COVID-19 có thể tăng trở lại.
Từ tháng 7/2023 đến tháng 11/2023, Sở Y tế TP. Hồ Chí Minh tiếp tục phối hợp với Tổ chức Oucru duy trì giám sát các biến thể của virus SARS-CoV2 trên địa bàn thành phố, có 8 mẫu bệnh phẩm có đủ tải lượng virus COVID-19 được giải mã gen. Kết quả: Tất cả đều thuộc biến thể của Omicron.
Cụ thể như sau: XBB.1.9 (4 chủng), XBB.1.16 (2 chủng), BA.2.75 (1 chủng), BA.2.86.1 (1 chủng). Như vậy, trong khi biến thể EG.5 là phổ biến nhất đang được ghi nhận tại 89 quốc gia thì biến thể này hiện vẫn chưa được phát hiện tại TP. Hồ Chí Minh.
Tại TP. Hồ Chí Minh, kể từ ngày có hiệu lực Quyết định số 3896/QĐ-BYT ngày 19 tháng 10 năm 2023 của Bộ Y tế về việc điều chỉnh bệnh viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona gây ra (COVID-19) từ bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm A sang bệnh truyền nhiễm thuộc nhóm B của Luật Phòng, chống bệnh truyền nhiễm năm 2007, hiện tại trong hệ thống các bệnh viện của TP. Hồ Chí Minh chưa ghi nhận các trường hợp mắc COVID-19 mới cần nhập viện điều trị.
Tuy nhiên, trong bối cảnh số ca mắc COVID-19 đang tăng ở một số nước như hiện nay thì nguy cơ số ca mắc tại thành phố gia tăng trở lại là khó tránh khỏi, nhất là vẫn còn một biến thể EG.5 chưa xuất hiện trên địa bàn thành phố trong khi lại là biến thể phổ biến tại các nước.
Trước tình hình này, Sở Y tế yêu cầu Trung tâm Kiểm soát bệnh tật Thành phố tiếp tục phối hợp với Bệnh viện Bệnh Nhiệt đới và Đơn vị nghiên cứu lâm sàng Đại học Oxford (OUCRU) tăng cường giám sát ca bệnh, giám sát các biến thể COVID-19 lồng ghép trong giám sát tác nhân viêm hô hấp tính, đồng thời đẩy mạnh hoạt động truyền thông giáo dục sức khỏe trên địa bàn toàn thành phố.
Các cơ sở điều trị tăng cường chẩn đoán, phát hiện những trường hợp mắc COVID-19 trên những bệnh nhân thuộc nhóm nguy cơ cao để có chế độ chăm sóc, điều trị phù hợp theo hướng dẫn của Bộ Y tế nhằm giảm thiểu thấp nhất nguy cơ biến chứng hoặc tử vong, các cơ sở cần đảm bảo việc sẵn sàng phân luồng điều trị khi cần, tránh lây nhiễm chéo trong bệnh viện.
Sở Y tế khuyến cáo người dân khi có triệu chứng hô hấp cấp tính (sốt, ho khó thở…) nên đeo khẩu trang, hạn chế tiếp xúc với người khác, đặc biệt là người cao tuổi hoặc có bệnh nền. Người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch, những người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai nên làm xét nghiệm sớm và tiêm phòng vaccine phòng ngừa cúm, viêm phổi để chủ động phòng ngừa các bệnh lý hô hấp khác.
Ngoài ra, người dân nên thường xuyên theo dõi thông tin tình hình dịch trên thế giới, những người đi, đến, về từ các nước đang có số ca mắc tăng nên tự theo dõi sức khỏe, đeo khẩu trang. Thường xuyên rửa tay bằng nước sạch và xà phòng hoặc dung dịch sát khuẩn tay và khi trở về Việt Nam cần tự theo dõi sức khỏe, hạn chế tiếp xúc người thuộc nhóm nguy cơ mắc bệnh nặng như người cao tuổi, người có bệnh nền nặng như tiểu đường, tim mạch, người có bệnh lý suy giảm miễn dịch, phụ nữ có thai.
- Bộ Y tế nhắc các tỉnh, thành ngăn chặn bệnh cúm gia cầm xâm nhập vào Việt Nam, lây nhiễm sang người
- Buy a Bride On-line
- Cách hạn chế người khác đào mộ nhật ký của bạn trên Facebook
- Bộ Y tế khuyến cáo đeo khẩu trang nơi đông người phòng dịch bệnh hô hấp
- Chuyên gia y tế nêu lý do không nên tắm sau 22 giờ