Theo Vietnam Briefing, lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Việt Nam đang phát triển nhanh chóng và mang lại tiềm năng đầu tư đáng kể cho các doanh nghiệp quan tâm đến du lịch chữa bệnh.
Vietnam Briefing dẫn một báo cáo chính thức do Sở Du lịch Thành phố Hồ Chí Minh (DoT) cung cấp tại một cuộc họp báo vào đầu năm nay cho biết đã có sự gia tăng nhất quán và đáng chú ý về số lượng khách du lịch tìm kiếm các dịch vụ y tế tại Việt Nam.
Y tế và du lịch y tế Việt giàu tiềm năng
Sở Du lịch TP HCM ước tính rằng Việt Nam hiện thu hút trung bình 300.000 du khách nước ngoài đến khám và điều trị mỗi năm, trong đó Thành phố Hồ Chí Minh là điểm đến ưa thích của 40% số khách này.
Khi cơ sở hạ tầng chăm sóc sức khỏe của Việt Nam tiếp tục phát triển, nhu cầu về các công nghệ, thiết bị và chuyên môn y tế tiên tiến có thể sẽ tăng lên. Các công ty y tế nước ngoài chuyên về các phương pháp điều trị tiên tiến, dịch vụ y tế chuyên biệt và thiết bị chăm sóc sức khỏe có thể tìm cách khai thác nhu cầu này tại Việt Nam.
Bên cạnh đó, việc hợp tác với các nhà cung cấp và tổ chức chăm sóc sức khỏe địa phương có thể mang lại lợi ích cho các nhà đầu tư nước ngoài trong việc thâm nhập thị trường tốt hơn và hiểu sâu hơn về bối cảnh chăm sóc sức khỏe địa phương.
Ngành chăm sóc sức khỏe, cả trên phạm vi toàn cầu và cụ thể là trong lĩnh vực dược phẩm của Việt Nam, đang có tốc độ tăng trưởng nhanh chóng. Có nhiều nguyên nhân cho điều này là nỗ lực của chính phủ trong việc cải thiện khả năng tiếp cận y tế của công chúng và khả năng chi trả của người dân cũng ngày càng tăng.
Tại Việt Nam, thu nhập ngày càng cao hơn và dân số dần già đi đang thúc đẩy mọi người chi tiêu nhiều hơn cho các dịch vụ chăm sóc sức khỏe, đặc biệt là dược phẩm. Do đó, ngày càng nhiều nguồn đầu tư được đổ vào lĩnh vực này. Thị trường chăm sóc sức khỏe của Việt Nam, trị giá 16,2 tỷ USD vào năm 2020, chiếm 6% GDP. Con số này dự kiến sẽ tăng lên 20,3 tỷ USD vào năm 2025 và 33,8 tỷ USD vào năm 2030.
Sự phát triển của du lịch y tế
Hiện tại, Việt Nam đang dần được công nhận là điểm đến ưa thích của du lịch chữa bệnh, đặc biệt là trong lĩnh vực chăm sóc răng miệng nhờ chất lượng tốt và chi phí hợp lý, theo International Living. Đặc biệt, các thủ thuật nha khoa ở Việt Nam tiết kiệm chi phí hơn đáng kể so với Mỹ, trong khi vẫn bảo đảm tiêu chuẩn chăm sóc cao.
Các thị trấn và thành phố lớn của Việt Nam đều có các phòng khám nha khoa quốc tế với các nha sĩ nói tiếng Anh, thu hút bệnh nhân nước ngoài đến từ Mỹ, Australia và Châu Âu. Những bệnh nhân này được hưởng lợi từ việc tiết kiệm chi phí và trải nghiệm văn hóa. Do đó, họ thường kéo dài thời gian lưu trú để tham gia vào các hoạt động du lịch.
Một báo cáo năm 2022 của Tổng cục Thống kê ước tính rằng chi tiêu trung bình của mỗi khách du lịch cho việc điều trị chăm sóc sức khỏe lên tới 156,58 USD.
Theo Martin Koerner, Giám đốc Thương mại của Tập đoàn điều hành khu nghỉ dưỡng cao cấp The Anam, Việt Nam đang nổi lên như một điểm đến du lịch chữa bệnh đầy triển vọng.
Trong một bài đăng trên LinkedIn, ông lưu ý rằng Việt Nam có 4 bệnh viện được Tổ chức chuẩn chất lượng y tế Mỹ JCI công nhận và cũng có nhiều bác sĩ và y tá được các tổ chức uy tín như JCI và ISO công nhận.
Ông cũng nói rằng Việt Nam cung cấp các dịch vụ y tế giá cả phải chăng với mức giá thấp hơn khoảng 10% so với ở Mỹ. Việt Nam cũng có lợi thế đáng kể so với các điểm đến du lịch y tế khác như Singapore, Thái Lan và Malaysia. Ví dụ, chi phí phẫu thuật bắc cầu tim ở Việt Nam là 10.000-15.000 USD trong khi ở Thái Lan chi phí từ 25.000-30.000 USD.
Ông Koerner cũng đánh giá sức hấp dẫn của Việt Nam vượt ra ngoài lĩnh vực chăm sóc sức khỏe. Du khách đến đây chữa bệnh cũng có thể khám phá di sản văn hóa và lịch sử phong phú, chiêm ngưỡng nhiều kỳ quan thiên nhiên như Vịnh Hạ Long và tận hưởng khí hậu nhiệt đới ấm áp. Ông nói: “Sự phong phú của các suối nước nóng tự nhiên càng làm tăng thêm sức hấp dẫn của Việt Nam là một điểm đến chăm sóc sức khỏe và sắc đẹp”.
Vượt lên nhiều thách thức
Theo ông Koerner, mặc dù Việt Nam có những mặt tích cực trong việc cung cấp dịch vụ du lịch chữa bệnh, nhưng vẫn có một số thách thức cản trở sự phát triển của ngành.
Đầu tiên, Việt Nam chưa được biết đến nhiều với vai trò là một điểm đến du lịch chữa bệnh. Chất lượng và khả năng tiếp cận các dịch vụ chăm sóc sức khỏe ở Việt Nam cũng chưa được các quốc gia có nguồn khách du lịch chữa bệnh quan trọng quan tâm. Do đó, nhiều du khách có nhu cầu chăm sóc y tế còn e ngại về vấn đề an toàn, vệ sinh, rào cản ngôn ngữ hoặc các khía cạnh pháp lý.
Trang Vietnam Briefing cũng đánh giá Việt Nam cần có một cách tiếp cận toàn diện đối với du lịch y tế, hướng đến kết nối các bên liên quan chính như chính phủ, khu vực tư nhân, tổ chức y tế, công ty du lịch và khách sạn.
Hoàng Nguyên, một nhà tư vấn bất động sản nổi tiếng, khi viết trên tờ The Investor vào cuối năm ngoái cũng cho rằng: “Việc chưa có định hướng chính sách tổng thể dẫn đến du lịch chăm sóc sức khỏe phát triển tự phát, dàn trải”. Như vậy, những nỗ lực gắn kết các bên liên quan sẽ giúp thúc đẩy tăng trưởng bền vững và tính chuyên nghiệp trong du lịch chăm sóc sức khỏe, Vietnam Briefing nhận định./.
Nguồn: https://toquoc.vn
- Vì sao Bình Dương chỉ có 4 đơn vị y tế công đủ điều kiện khám sức khỏe lái xe?
- Sau khi tiêm vắc xin phòng Covid-19 có làm ảnh hưởng đến kết quả xét nghiệm Covid-19 hay không?
- Bệnh nhân khỏi bệnh, xuất viện chiếm hơn 56,4% tổng số ca nhiễm
- TP.HCM: Những y, bác sĩ đầu tiên được tiêm vắc xin ngừa COVID-19
- Ngày mới với tin tức sức khỏe: Phòng bệnh tiểu đường bằng rau củ nhiều màu sắc