Cảnh báo nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm
Hiện nay, tại khu vực miền Bắc đang vào giai đoạn mùa đông – xuân, thời tiết gió mùa lạnh, hanh khô là nguyên nhân các dịch bệnh truyền nhiễm xuất hiện và lây lan, nhất là bệnh lây truyền qua đường hô hấp, tiềm ẩn nguy cơ gia tăng các dịch bệnh truyền nhiễm.
Bộ Y tế vừa có văn bản cảnh báo nguy cơ gia tăng các bệnh truyền nhiễm trong dịp Tết. |
Các bệnh lưu hành như sốt xuất huyết, tay chân miệng… và một số bệnh có vắc xin dự phòng ghi nhận số mắc gia tăng ở nhiều nơi.
Thời gian tới là dịp Tết 2024 và mùa lễ hội đầu năm, nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao, cùng diễn biến thời tiết thay đổi bất thường là điều kiện thuận lợi cho các tác nhân gây bệnh lây lan, làm gia tăng số mắc, nhất là với trẻ em có sức đề kháng yếu và người cao tuổi có bệnh lý nền, dễ mắc các bệnh truyền nhiễm.
Để tiếp tục chủ động kiểm soát hiệu quả dịch bệnh truyền nhiễm trong mùa đông – xuân năm 2023-2024, Bộ Y tế trân trọng đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố chỉ đạo UBND các cấp nâng cao vai trò, trách nhiệm trong công tác phòng, chống dịch bệnh truyền nhiễm;
Đảm bảo kinh phí, nguồn lực và huy động sự tham gia của các ban, ngành, đoàn thể, các tổ chức chính trị xã hội trong phòng, chống dịch bệnh; thường xuyên kiểm tra, giám sát, đôn đốc chỉ đạo các địa phương, đơn vị triển khai hoạt động phòng, chống dịch bệnh trên địa bàn.
Thường xuyên, liên tục theo dõi, giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh trên địa bàn, lưu ý theo dõi sự gia tăng các trường hợp mắc bệnh lây qua đường hô hấp, các trường hợp viêm phổi nặng do vi rút; chuẩn bị sẵn sàng các phương án bảo đảm công tác y tế với mọi tình huống có thể xảy ra của dịch bệnh;
Chủ động công tác giám sát, tiếp tục triển khai hiệu quả giám sát thường xuyên, giám sát dựa vào sự kiện để phát hiện sớm các ca bệnh ngay tại cửa khẩu, trong cộng đồng và tại các cơ sở y tế để xử lý kịp thời, kiểm soát sự lây lan, hạn chế các trường hợp bệnh nặng, tử vong; duy trì thực hiện tốt chương trình tiêm chủng mở rộng.
Phối hợp chặt chẽ với các Viện Vệ sinh Dịch tễ, Pasteur và các Bệnh viện trực thuộc Bộ Y tế lấy mẫu, giải trình tự gen phát hiện sớm các biến thể mới, các tác nhân gây bệnh, nhất là các tác nhân gây bệnh lây truyền qua đường hô hấp.
Tiếp tục triển khai quyết liệt các biện pháp phòng, chống sốt xuất huyết, thường xuyên tổ chức diệt bọ gậy, lăng quăng; tuyên truyền vận động người dân giảm dụng cụ chứa nước không cần thiết, lật úp, thu gom loại bỏ dụng cụ phế thải.
Huy động sự tham gia của chính quyền, các ban, ngành, đoàn thể tại cơ sở để tuyên truyền, giám sát, hướng dẫn việc loại bỏ bọ gậy, lăng quăng tại hộ gia đình với thông điệp “mỗi tuần hãy dành 10 phút để diệt lăng quăng/ bọ gậy”.
Tiếp tục tổ chức tốt và chuẩn bị sẵn sàng các phương án thu dung, điều trị bệnh nhân; thực hiện nghiêm việc kiểm soát nhiễm khuẩn và phối hợp triển khai hiệu quả công tác chỉ đạo tuyến, nâng cao năng lực chẩn đoán, điều trị.
Chủ động, phối hợp cung cấp và cập nhật thông tin về tình hình dịch bệnh, các khuyến cáo người dân thực hiện các yêu cầu phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; tăng cường truyền thông phòng bệnh nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi của người dân trong việc bảo vệ sức khoẻ.
Tiếp tục đảm bảo hậu cần, kinh phí, thuốc, vắc xin, sinh phẩm, vật tư, hóa chất, trang thiết bị, nhân lực để sẵn sàng phục vụ công tác phòng, chống dịch bệnh theo phương châm 4 tại chỗ.
UBND các tỉnh cần chỉ đạo Sở Giáo dục và Đào tạo, Nông nghiệp và Phát triển nông thôn phối hợp chặt chẽ với ngành Y tế tiếp tục triển khai hiệu quả các hoạt động vệ sinh phòng bệnh, đảm bảo an toàn thực phẩm, cung cấp đủ nước uống, nước sạch và thường xuyên vệ sinh môi trường tại các cơ sở giáo dục, các trường học;
Tổ chức tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của học sinh, cán bộ, giáo viên về các biện pháp phòng, chống dịch bệnh phòng, chống dịch bệnh trên các đàn gia súc, gia cầm, giám sát, phát hiện sớm các ổ dịch ở động vật để xử lý triệt để ổ dịch và phòng, chống dịch bệnh lây từ động vật, thực phẩm sang người.
Ngoài ra, UBND tỉnh cần chỉ đạo Sở Thông tin và Truyền thông, các cơ quan truyền thông, báo chí và hệ thống truyền thông cơ sở tăng cường hoạt động truyền thông về phòng, chống dịch bệnh mùa Đông Xuân, nhất là các bệnh lây truyền qua đường hô hấp; khuyến cáo, hướng dẫn người dân chủ động thực hiện các biện pháp phòng bệnh cá nhân và thay đổi hành vi để nâng cao sức khỏe.
Chỉ đạo Sở Tài chính đảm bảo kinh phí theo đề xuất của ngành Y tế và các đơn vị liên quan để đảm bảo đáp ứng nhu cầu phòng, chống dịch bệnh.
Hà Nội: Hơn 150 tỷ đồng chi trả bảo hiểm y tế cho bệnh nhân sốt xuất huyết
Theo thống kê của Bảo hiểm Xã hội TP.Hà Nội, 11 tháng đầu năm 2023, tổng chi phí quỹ bảo hiểm y tế chi trả cho bệnh nhân sốt xuất huyết là hơn 152,6 tỷ đồng.
Trong đó, có nhiều bệnh nhân sốt xuất huyết được bảo hiểm y tế chi trả lên tới hàng trăm triệu đồng chi phí điêu trị. Người được chi trả cao nhất là hơn 301 triệu đồng.
Tính đến ngày 15/12, Hà Nội ghi nhận 39.343 trường hợp mắc sốt xuất huyết (tăng 2,1 lần so với cùng kỳ năm 2022), trong đó có 4 trường hợp tử vong.
Bên cạnh đó, Sở Y tế Hà Nội cũng đề nghị UBND các quận, huyện, thị xã tiếp tục chỉ đạo các đơn vị trực thuộc và các lực lượng liên quan tiếp tục triển khai các hoạt động xử lý ca bệnh, ổ dịch đảm bảo hiệu quả, trong đó tập trung xử lý các ổ dịch phức tạp, diễn biến kéo dài.
Cùng với đó, các địa phương cần tăng cường công tác kiểm tra, giám sát tại các khu vực ổ dịch phức tạp, khu vực nguy cơ cao nhằm đánh giá tình hình dịch, từ đó triển khai các hoạt động đáp ứng phù hợp và kịp thời.
Đồng thời, duy trì công tác truyền thông, thông tin cho cộng đồng về tình hình dịch bệnh và các biện pháp phòng, chống bệnh sốt xuất huyết để người dân chủ động thực hiện.
Theo Bảo hiểm Xã hội TP.Hà Nội thời gian qua cơ quan đã phối hợp với Sở Y tế và các cơ sở khám chữa bệnh bảo hiểm y tế trên địa bàn thực hiện thanh quyết toán, tạm ứng kinh phí khám chữa bệnh bảo hiểm y tế theo quy định;
Đồng thời phối hợp giải quyết kịp thời vướng mắc trong thực hiện chính sách bảo hiểm y tế, bảo đảm khi người bệnh sốt xuất huyết đến các cơ sở y tế phải được tiếp nhận, điều trị và hưởng quyền lợi của người bệnh bảo hiểm y tế kịp thời.
Điều này cho thấy chính sách bảo hiểm y tế là một chính sách quan trọng, mang ý nghĩa nhân đạo và có tính chia sẻ cộng đồng sâu sắc, giúp nhiều người có thẻ bảo hiểm y tế vượt qua những khó khăn về kinh tế, là điểm tựa tinh thần giúp nhiều người bệnh có động lực, niềm tin để chiến thắng bệnh tật.
Tính đến hết tháng 11/2023, trên địa bàn TP.Hà Nội số người tham gia bảo hiểm y tế: 7.906.615 người, tăng 237.219 người so với cùng kỳ năm 2022; tăng 189.506 người so với 31/12/2022, tỷ lệ bao phủ bảo hiểm y tế đạt 93,45% dân số.