Phân luồng bệnh nhân, ứng dụng công nghệ thông tin, chữ ký điện tử, phân quyền ký giấy,… là những giải pháp sẽ được áp dụng sớm để giảm phiền toái cho người dân khi xin giấy chuyển tuyến.
Theo phản ánh của người dân, hiện nhiều trường hợp bệnh nhân bị bệnh hiểm nghèo như ung thư khi điều trị ở tuyến trên, có lịch hẹn tái khám. Nhưng khi đến lịch khám, họ buộc phải quay về tuyến dưới để xin giấy chuyển tuyến. Với thủ tục phiền hà, dù không có điều kiện kinh tế, nhiều người vẫn từ bỏ xin giấy chuyển tuyến, thậm chí bỏ tái khám gây ảnh hưởng đến quá trình điều trị bệnh.
Chiều 15.12, bà Trần Thị Trang, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế, Bộ Y tế, khẳng định với báo chí đúng là có tình trạng này xảy ra. Tuy nhiên, không phải cơ sở nào cũng có tình trạng này.
Về giải pháp, bà Trang cho hay, Bộ Y tế đã có Chỉ thị 25 ban hành năm 2020, trong đó, các cơ sở phải phân luồng hẹn tái khám. Đồng thời cũng có các bộ phận thường xuyên đôn đốc các cơ sở khám chữa bệnh phân luồng hẹn tái khám để không có quá nhiều bệnh nhân dồn ứ trong cùng một thời điểm gây kéo dài thời gian chờ đợi.
Bên cạnh đó, một trong những giải pháp quan trọng theo bà Trang là Bộ Y tế đang nghiên cứu để có những thủ tục đơn giản hơn trong quá trình cấp giấy chuyển tuyến. “Thay vì lãnh đạo ký thì có thể phân cấp cho các khoa phòng để người dân không phải chờ đợi” – bà Trang nêu giải pháp.
“Hiện nghị định 75 vừa ban hành cũng đã có quy định liên quan giấy hẹn tái khám, trong đó có các giải pháp như nếu người bệnh không thể quay lại trong vòng 10 ngày, có thể liên hệ cơ sở khám để có giấy hẹn khác để không phải chờ đợi” – bà Trang nói thêm.
Ngoài ra, sắp tới, Bộ Y tế sẽ ứng dụng công nghệ truyền thông và số hóa các giấy tờ như giấy chuyển tuyến, giấy ra viện và khám lại. Hiện đơn vị này đang xin ý kiến các cơ sở khám chữa bệnh và bảo hiểm xã hội.
“Sau đó, sẽ chạy thử 6 tháng. Sau thời gian 6 tháng chạy thử, Bộ Y tế sẽ có hiệu chỉnh và ban hành chính thức”- bà Trang thông tin.
Cuối cùng, Vụ trưởng Vụ Bảo hiểm Y tế cho hay, một giải pháp đang được nghiên cứu là thực hiện ký các giấy này bằng bản điện tử để nhanh hơn. Theo đó, lãnh đạo các khoa phòng có thể ký được dù ở đâu.
Hiện đang là thời điểm cuối năm, bà Trang cho hay, đối với các văn bản khám chữa bệnh như giấy chuyển tuyến, giấy khám lại, các cơ sở sẽ cấp luôn trong năm nay, chứ không phải chờ đến tháng 1.2024 mới ký.
Nguồn: https://laodong.vn
- Lãnh đạo tỉnh Bình Dương xác nhận vợ chồng ông Dũng lò vôi đề nghị hiến tặng khu đất 500 tỷ đồng để chung tay chống Covid
- Bộ trưởng Bộ Y tế viết thư cảm ơn cán bộ, người lao động ngành y
- Bộ Y tế nêu những giấy tờ thay thế thẻ BHYT khi khám chữa bệnh
- Sức hút bất động sản đổ về Tân Uyên
- Sáng 3/3, có 3 ca mắc COVID-19 ở Bình Dương và Kiên Giang