UBND tỉnh Bình Dương ban hành Kế hoạch triển khai tiêm 1 triệu liều vắc xin phòng Covid-19 cho người dân trên địa bàn tỉnh.
Theo đó, Chiến dịch được triển khai từ tháng 7/2021 tại tất cả các xã, phường, thị trấn trên toàn tỉnh và triển khai tiêm lưu động tại các đơn vị sản xuất trong tỉnh. Sử dụng đồng thời tất cả các loại vắc xin đủ điều kiện từ Bộ Y tế phân bổ. Đảm bảo trên 90% người trong độ tuổi tiêm chủng được tiêm vắc xin phòng Covid-19; đảm bảo tối đa an toàn, công bằng trong tiêm chủng.
Đối tượng tiêm chủng: Toàn bộ người dân trong độ tuổi có chỉ định sử dụng vắc xin theo khuyến cáo của nhà sản xuất, trong đó ưu tiên cho lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch và lực lượng tuyến đầu trong thúc đẩy, phát triển kinh tế; người làm việc trong các cơ sở y tế, ngành Y tế (công lập và tư nhân); người đã được tiêm mũi 1 đủ thời gian theo khuyến cáo của nhà sản xuất; người tham gia phòng, chống dịch (Thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở các khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, Tổ Covid-19 cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên…); lực lượng Quân đội; Công an; Hải quan, cán bộ làm công tác xuất nhập cảnh; người cung cấp dịch vụ thiết yếu; giáo viên, học sinh, sinh viên tại các cơ sở giáo dục, đào tạo; lực lượng bác sỹ trẻ; người làm việc tại các cơ quan, đơn vị hành chính; các tổ chức hành nghề luật sư, công chứng, đấu giá… thường xuyên tiếp xúc với nhiều người; người mắc các bệnh mạn tính; người trên 65 tuổi; người sinh sống tại các vùng có dịch; người nghèo, các đối tượng chính sách xã hội; người được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cử đi công tác, học tập, lao động ở nước ngoài hoặc có nhu cầu xuất cảnh để công tác, học tập và lao động ở nước ngoài; chuyên gia nước ngoài làm việc tại Việt Nam; các đối tượng là người lao động, thân nhân người lao động đang làm việc tại các doanh nghiệp, cơ sở kinh doanh dịch vụ thiết yếu như các cơ sở lưu trú, ăn uống, ngân hàng, chăm sóc sức khỏe, dược, vật tư y tế…; cơ sở bán lẻ, bán buôn, chợ, công trình xây dựng, người dân ở vùng, khu du lịch; các chức sắc, chức việc các tôn giáo; người lao động tự do; các đối tượng khác theo Quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh và đề xuất của các đơn vị viện trợ vắc xin cho Bộ Y tế.
Ưu tiên cho các lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch; các đối tượng có nguy cơ cao; các vùng đang có dịch; các khu vực là đô thị lớn, có mật độ dân số cao, có nhiều khu công nghiệp, có đầu mối giao thông quan trọng.
Tổ chức tiêm tại các điểm tiêm chủng cố định gồm 282 bàn tiêm chủng công lập và ngoài công lập cố định đã đủ điều kiện tiêm chủng trên địa bàn tiêm vắc xin phòng Covid-19. Mỗi bàn tiêm, tổ chức tiêm không quá 100 người/1 bàn tiêm/1 buổi tiêm. Như vậy trong một ngày có thể tiêm được 28.000 liều nếu tổ chức một buổi và 56.000 liều nếu tổ chức tiêm 2 buổi/ngày. Số lượng tiêm có thể tăng khi tuyến huyện, tuyến tỉnh tăng số bàn tiêm/mỗi điểm tiêm.
Đồng thời, thiết lập các điểm tiêm chủng lưu động để triển khai tiêm chủng với số lượng lớn như: Thực hiện tiêm cho công nhân tại các khu công nghiệp, các cơ quan, doanh nghiệp hoặc ở khu vực thị xã, thành phố với đối tượng cần tiêm lớn, đông dân cư nhưng các điểm tiêm cố định trên địa bàn không đảm bảo cho giãn cách với số lượng người đông trong cùng một thời điểm. Điểm tiêm chủng lưu động có thể ở các trường học, cơ quan, doanh nghiệp, nhà văn hóa…
Để triển khai chiến dịch tiêm chủng đảm bảo chất lượng, an toàn, kịp tiến độ, phải đảm bảo số lượng nhân lực cần thiết để triển khai một điểm tiêm chủng gồm ít nhất 03 nhân viên y tế và 03 cán bộ hỗ trợ để thực hiện một điểm tiêm chủng; ít nhất 06 người hỗ trợ vòng ngoài.
- Bộ trưởng Đào Hồng Lan nêu quan điểm của Bộ Y tế về thuốc lá điện tử, thuốc lá nung nóng
- Sốt siêu vi và các biểu hiện thường gặp
- Đau bao tử và đau dạ dày cách phòng tránh các triệu chứng của bệnh
- Chủ động phòng, chống dịch bệnh Marburg từ sớm
- Vì sao Sở Y tế Bình Dương đề nghị “cấm cửa” 6 bác sĩ hành nghề khắp cả nước?