Trung Quốc khởi động chương trình chứng nhận sức khỏe dùng cho du khách di chuyển nội địa, dẫn đầu thế giới trong kế hoạch triển khai ý tưởng hộ chiếu vaccine.
Chứng nhận kỹ thuật số trong đó hiển thị tình trạng tiêm chủng của người dùng và các kết quả xét nghiệm virus, sẵn có cho công dân Trung Quốc, thông qua một chương trình trên nền tảng mạng xã hội WeChat đã được khởi động ngày 8.3, AFP đưa tin.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc cho biết, chứng nhận đang được triển khai “nhằm giúp thúc đẩy phục hồi kinh tế thế giới và tạo điều kiện thuận lợi cho việc di chuyển xuyên biên giới”.
Tuy nhiên, chứng nhận sức khỏe hiện chỉ sẵn có cho công dân Trung Quốc sử dụng và chưa phải bắt buộc.
Chương trình hộ chiếu vaccine của Trung Quốc bao gồm một mã QR được mã hóa cung cấp cho mỗi quốc gia thông tin y tế của du khách, Tân Hoa Xã thông tin ngày 8.3.
“Mã sức khỏe QR” trong WeChat và các ứng dụng điện thoại thông minh khác của Trung Quốc đã được yêu cầu phải có khi tham gia giao thông trong nước và nhiều không gian công cộng ở Trung Quốc.
Những ứng dụng này theo dõi vị trí của người dùng, tạo một mã “xanh” mang nghĩa sức khỏe tốt, nếu người dùng chưa tiếp xúc gần với một ca được xác nhận mắc COVID-19 hoặc chưa từng di chuyển tới các điểm nóng lây nhiễm SARS-CoV-2. Tuy nhiên, hệ thống này cũng làm dấy lên lo ngại về quyền riêng tư.
Ngoài dạng kỹ thuật số, chứng nhận này của Trung Quốc cũng có sẵn ở dạng giấy. Theo AFP, chứng nhận của Trung Quốc được xem là hộ chiếu vaccine đầu tiên trên thế giới.
Mỹ và Anh là một vài trong số các quốc gia đang cân nhắc triển khai các giấy phép tương tự. Liên minh Châu Âu cũng đang nghiên cứu một loại “thẻ xanh” vaccine cho phép công dân đi lại giữa các nước thành viên và đi ra bên ngoài.
Trong diễn biến khác, AP đưa tin, một quan chức cấp cao của Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) ngày 8.3 nói rằng, cái gọi là “hộ chiếu vaccine” không nên được sử dụng cho các chuyến đi lại quốc tế vì có nhiều quan ngại.
Tiến sĩ Michael Ryan – Trưởng chương trình khẩn cấp của WHO – nói, những lo ngại này bao gồm cân nhắc về mặt đạo đức rằng vaccine chưa thể sẵn có trên phạm vi toàn cầu.
WHO từng lưu ý, hiện vẫn chưa biết khả năng miễn dịch từ các loại vaccine COVID-19 đã được cấp phép kéo dài bao lâu và dữ liệu về vấn đề này vẫn đang được thu thập.
Chuyên gia Ryan cũng lưu ý, chiến lược hộ chiếu vaccine có thể không công bằng với những người không thể tiêm vaccine vì những lý do nhất định và việc yêu cầu hộ chiếu vaccine có thể dẫn tới sự không công bằng được thêm vào hệ thống.