Chủ đề công tác năm 2020: "Tuổi trẻ Bình Dương Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021)

3 thành tố quyết định giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con

Chương trình dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai theo 3 nhánh nhằm bảo vệ trẻ em, giảm số trẻ bị lây nhiễm HIV từ mẹ và người mẹ biết được tình trạng sức khỏe của mình để can thiệp sớm trong điều trị nhiễm HIV, giảm tỷ lệ lây nhiễm HIV trong cộng đồng.

Các thành tố làm giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ

HIV/AIDS là một trong những vấn đề sức khỏe cộng đồng nghiêm trọng nhất thế giới. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), tính đến năm 2022, trên thế giới có khoảng 38,0 triệu người nhiễm HIV. Trong đó, khoảng 2,5 triệu trẻ em dưới 15 tuổi nhiễm HIV, trong đó 1,5 triệu trẻ em nhiễm HIV từ mẹ sang con.

Tại Việt Nam, theo số liệu thống kê của Bộ Y tế, tính đến hết tháng 6/2023, cả nước có 228.497 người nhiễm HIV hiện đang còn sống, 113.253 người nhiễm HIV đã tử vong. Từ năm 2012- 2022, số trẻ sinh ra từ mẹ nhiễm HIV có xu hướng giảm mạnh, từ 1.500 trẻ xuống còn hơn 600 trẻ mỗi năm, tỉ lệ trẻ có kết quả chẩn đoán nhiễm HIV giảm mạnh từ 7,4% năm 2012 xuống 2,1% năm 2022.

3 thành tố quyết định giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con

 - Ảnh 1.

TS.BS Đỗ Thị Nhàn – Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế.

Chương trình phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai từ năm 1999 với mục tiêu giảm tỷ lệ lây truyền HIV từ mẹ sang con xuống dưới 2%, hướng tới kết thúc dịch bệnh AIDS vào năm 2030.

Theo TS.BS Đỗ Thị Nhàn – Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế, Chương trình phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con đã nhận được sự quan tâm rất lớn của Đảng, Chính phủ và các đơn vị của Bộ Y tế. Hiện nay chương trình đã được triển khai rộng khắp trên toàn quốc với 63 tỉnh thành phố đã triển khai chương trình  này.

“Bộ y tế thì đã ban hành rất nhiều văn bản hướng dẫn liên quan quá trình triển khai chương trình. Vào  tháng 6 hàng năm là tháng hành động quốc gia về dự phòng lây truyền HIV từ  mẹ sang con”, TS Nhàn nói.

3 thành tố quyết định giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con

 - Ảnh 2.

Người mẹ biết sớm tình trạng nhiễm HIV của mình và có các biện pháp can thiệp, tỷ lệ lây nhiễm HIV cho con rất thấp, thậm chí đứa trẻ sinh ra không bị lây bệnh.

Hiện nay, các can thiệp để triển khai chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con đang được triển khai theo ba nhánh gồm:

  • Thứ nhất, trước khi có thai làm thế nào để là người phụ nữ dự phòng không bị nhiễm HIV; Nếu người mẹ nhiễm HIV rồi thì làm thế nào để không có thai ngoài kế hoạch, hoặc ngoài ý muốn.
  • Thứ hai, khi người mẹ có thai  thì làm thế nào để phát hiện người đó nhiễm HIV thật sớm bởi phát hiện nhiễm HIV sớm thì có nghĩa là bà mẹ sẽ được can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang sang con sớm. Điều đó có nghĩa là những đứa trẻ sẽ giảm thiểu được nguy cơ nhiễm HIV từ mẹ.
  • Thành tố thứ ba là sau khi sinh làm thế nào cả bà mẹ và em bé phải được tiếp tục được  điều trị dự phòng lây truyền từ mẹ sang con. Em bé sinh ra phải tiếp tục được theo dõi,  điều trị dự phòng và nuôi dưỡng, chăm sóc và chẩn đoán sớm tình trạng nhiễm HIV từ mẹ.

Phụ nữ vùng sâu, vùng khó khăn ít được tiếp cận các biện pháp can thiệp phòng chống HIV hơn phụ nữ thành phố

Chương trình phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con mặc dù đã đạt được nhiều kết quả khả quan nhưng chưa đồng đều ở các tỉnh thành. TS.BS Đỗ Thị Nhàn cho rằng, mặc dù đã có những văn bản hướng dẫn của Bộ Y tế, các can thiệp phòng chống lây truyền HIV từ mẹ sang con được triển khai rộng khắp, tuy nhiên vẫn tồn tại sự khác biệt tương đối lớn ở các tỉnh thành. Ví dụ ở một số tỉnh thành phố lớn – nơi mà các dịch vụ về tư vấn xét nghiệm HIV hay chăm sóc thai nghén, chăm sóc sinh sản khá phổ biến, việc tiếp cận các dịch vụ này dễ dàng, nên đã gặt hái được những kết quả khả quan. Tuy nhiên ở những khu vực như vùng núi, vùng sâu, vùng xa – nơi mà các dịch vụ tư vấn xét nghiệm HIV cho các bà mẹ đến khám thai không phải sẵn có tại các trạm y tế xã, phường. Thậm chí có địa phương, việc xét nghiệm HIV không thể tiến hành ở tuyến xã mà phải gửi lên tỉnh. Đây là điểm hạn chế trong triển khai chương trình.

3 thành tố quyết định giảm lây truyền HIV từ mẹ sang con

 - Ảnh 3.

Trẻ sinh ra ở bà mẹ có HIV cần được can thiệp sớm ngay từ giai đoạn bào thai để dự phòng lây nhiễm HIV từ mẹ.

Bên cạnh những nhóm đối tượng các bà mẹ được phát hiện, quản lý nhiễm HIV, vẫn có nhóm đối tượng mà chương trình chưa tiếp cận được. Trong cả năm 2022, trong nhóm phụ nữ mang thai được quản lý, tiếp cận với chương trình dự phòng lây truyền từ mẹ sang con thì chỉ phát hiện được 11 cháu (1,9%) lây HIV từ mẹ,  thấp hơn rất nhiều so với trước.

“Câu hỏi được đặt ra ở đây là đối với nhóm mà chúng ta chưa quản lý được thì làm thế nào. Chắc chắn còn một nhóm phụ nữ và con của họ chưa tiếp cận được dịch vụ, nhất là phụ nữ ở những vùng sâu, vùng xa những khu vực mà không sẵn có dịch vụ này. Đây cũng là một câu hỏi lớn và chúng tôi cũng đang có kế hoạch là sẽ thực hiện rà soát đánh giá lại vấn đề này”, Trưởng phòng Điều trị HIV/AIDS, Cục Phòng, chống HIV/AIDS, Bộ Y tế cho biết.

Hiện nay, trong kế hoạch của Bộ Y tế, Cục Phòng chống HIV/AIDS đang phối hợp với Vụ Chăm sóc sức khỏe Bà mẹ và Trẻ em, Tổ chức Y tế thế giới triển khai đánh giá chương trình can thiệp dự phòng lây truyền HIV từ mẹ sang con, đồng thời đề ra những việc cần can thiệp tiếp theo trong thời gian tới.

Nguồn: https://suckhoedoisong.vn

Bài viết cùng chủ đề:

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *