Xử nghiêm vi phạm về buôn lậu, hàng giả, mất an toàn vệ sinh thực phẩm
Bộ Y tế đã có văn bản gửi các đơn vị thuộc, trực thuộc Bộ Y tế; Sở Y tế các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương về việc tăng cường công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả kém chất lượng.
Bộ Y tế đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm. |
Theo Bộ Y tế, năm 2023, các đơn vị, địa phương đã tích cực chủ động triển khai công tác phòng chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, hàng kém chất lượng và đạt được nhiều kết quả tích cực.
Tuy nhiên, theo báo cáo tổng hợp và dự báo của Ban Chỉ đạo 389 quốc gia, tình hình buôn lậu, gian lận thương mại, hàng giả, hàng vi phạm ở hữu trí tuệ, … đối với các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng vẫn có chiều hướng gia tăng và diễn biến phức tạp, trong đó có các mặt hàng lương thực, thực phẩm, dược phẩm, mỹ phẩm.
Trước thực tế nêu trên theo đề nghị của Bộ Y tế các cơ quan liên quan cần ưu tiên tập trung việc xây dựng kế hoạch, tổ chức triển khai công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả, chú trọng vào các mặt hàng thiết yếu phục vụ sản xuất, kinh doanh, tiêu dùng nhiều trong những tháng cuối năm và dịp Tết Nguyên đán Giáp Thìn, Lễ hội Xuân 2024.
Cùng đó, phối hợp với cơ quan truyền thông tăng cường phổ biến các quy định, kiến thức về phòng ngừa, đấu tranh với việc sản xuất, kinh doanh hàng trôi nổi, không rõ nguồn gốc, xuất xứ, hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, việc quảng cáo làm sai lệch bản sản phẩm hàng hóa trên các trang mạng xã hội, kịp thời cảnh báo nguy cơ không đảm bảo an toàn cho sức khoẻ người tiêu dùng.
Bộ Y tế cũng đề nghị xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm về buôn lậu, gian lận thương mại, không rõ nguồn gốc, xuất xứ; sản xuất, kinh doanh hàng không đảm bảo chất lượng, không bảo đảm an toàn vệ sinh thực phẩm ảnh hưởng đến sức khỏe người tiêu dùng.
Kịp thời đia tin về kết quả công tác đấu tranh chống buôn lậu, gian lận thương mại và hàng giả; danh sách các tổ chức, cá nhân vi phạm để mọi người dân biết.
Nếu phát hiện hành vi nghi ngờ có dấu hiệu của tội phạm, đề nghị chuyển ngay hồ sơ vụ việc vi phạm cho cơ quan có thẩm quyền để xử lý theo quy định.
Quy định mới nhất của Bộ Y tế về ghi thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm
Bộ Y tế vừa ban hành Thông tư 29/2023/TT-BYT hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm.
Thông tư này hướng dẫn nội dung, cách ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng và lộ trình thực hiện đối với thực phẩm bao gói sẵn được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam.
Cụ thể, thực phẩm được sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, lưu thông tại Việt Nam phải ghi các thành phần dinh dưỡng sau: Năng lượng (kcal); chất đạm (g); carbohydrat (g); chất béo (g); natri (mg).
Riêng nước giải khát, sữa chế biến cho thêm đường và thực phẩm cho thêm đường khác phải ghi thêm đường tổng số; thực phẩm được chế biến dưới hình thức chiên rán: Phải ghi thêm chất béo bão hòa; thực phẩm không chứa/có chứa thành phần dinh dưỡng đã nêu trên nhưng giá trị dinh dưỡng của thành phần đó nhỏ hơn giá trị quy định tại phụ lục I thông tư này thì không bắt buộc ghi thành phần dinh dưỡng đó trên nhãn thực phẩm.
Theo đó, các thành phần dinh dưỡng được biểu thị trong 100g/100ml thực phẩm/trong 1 khẩu phần ăn đã được xác định hàm lượng trên nhãn/theo mỗi phần đóng gói khi số phần trong bao gói đó được công bố.
Bộ Y tế yêu cầu việc ghi thành phần dinh dưỡng, giá trị dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm phải bảo đảm tuân thủ quy định tại thông tư này và quy định của pháp luật về nhãn hàng hóa, pháp luật về an toàn thực phẩm có liên quan.
Đồng thời bảo đảm chính xác, không gây ra cách hiểu sai lệch, nhầm lẫn về giá trị dinh dưỡng của sản phẩm thực phẩm. Thông tin thành phần, giá trị dinh dưỡng trên nhãn sản phẩm thực phẩm phải dễ nhận biết, dễ hiểu và không tẩy xóa được.
Thông tư của Bộ Y tế nêu rõ, chậm nhất đến 31/12/2025, tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu thực phẩm để lưu thông tại Việt Nam phải thực hiện ghi thành phần dinh dưỡng trên nhãn thực phẩm theo quy định tại Thông tư này.
Từ 1/1/2026, tổ chức, cá nhân không được sản xuất, in ấn, nhập khẩu và sử dụng nhãn không đúng quy định tại Thông tư này.
- Bình Dương Sẵn sàng mọi điều kiện tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ
- Từ 15/8, Bộ Y tế áp dụng khung giá mới với bệnh nhân khám chữa bệnh theo yêu cầu
- Đề xuất nới phạm vi chi trả bảo hiểm y tế với thuốc hiếm, thêm cơ hội cho những bệnh nhân đặc biệt
- Tuyển tình nguyện viên từ 40-59 tuổi tiêm thử nghiệm vắc xin COVID-19 thứ 2 của Việt Nam
- Quy trình khám chữa bệnh có thẻ bảo hiểm y tế