Từ ngày 1/4, các bệnh viện trên cả nước sẽ thử nghiệm việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến bảo hiểm y tế (BHYT) và giấy hẹn khám lại.
Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) ngày 1/1 cho biết từ ngày 1/4, cơ quan BHXH và các bệnh viện trong cả nước sẽ bắt đầu thử nghiệm việc gửi và nhận dữ liệu điện tử giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại. Từ 1/7, toàn quốc sẽ triển khai chính thức.
Trong năm 2024, Bộ Y tế sẽ phối hợp cùng với Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội (C06) thuộc Bộ Công an, BHXH Việt Nam, để nghiên cứu, triển khai tích hợp 2 loại giấy tờ này trên các ứng dụng VNeID, VssID.
Lãnh đạo Vụ Bảo hiểm y tế (Bộ Y tế) cho biết với nỗ lực trong chuyển đổi số này sẽ tiến tới loại bỏ hoàn toàn giấy chuyển tuyến và giấy hẹn khám lại bản giấy.
“Khi 2 loại giấy tờ này được tích hợp trên ứng dụng VNeID, VssID, người bệnh khi làm thủ tục chuyển tuyến hoặc tái khám chỉ cần xuất trình giấy chuyển tuyến điện tử hoặc giấy hẹn khám lại điện tử trên ứng dụng VNeID hoặc VssID (có tích hợp sẵn mã QR)”, đại diện Vụ Bảo hiểm y tế chia sẻ ngày 1/1.
Kỳ vọng hạn chế hành vi gian lận, giả mạo trong chuyển tuyến
Đại diện Vụ Bảo hiểm y tế đánh giá việc triển khai giấy chuyển tuyến BHYT và giấy hẹn khám lại điện tử sẽ giúp công khai, minh bạch, hạn chế các hành vi gian lận, giả mạo trong chuyển tuyến.
Đồng thời, việc số hóa này cũng đơn giản hoá thủ tục hành chính, rút ngắn thời gian, tạo thuận lợi, tiện ích cho người bệnh, cơ sở khám chữa bệnh khi tiếp nhận, làm các thủ tục chuyển tuyến/tái khám.
Theo quy định của Bộ Y tế, giấy chuyển viện, chuyển tuyến là văn bản cung cấp tóm tắt thông tin người bệnh trong đó có tình trạng bệnh, các xét nghiệm, kỹ thuật cận lâm sàng, thuốc…, lý do chuyển. Bộ trưởng Y tế Đào Hồng Lan khẳng định: “Vai trò giấy chuyển viện rất cụ thể, ghi rõ tình trạng lịch sử điều trị cũng như bệnh án, nên khi chuyển tuyến dù là giấy hay điện tử cũng rất cần thiết“.
Chia sẻ với VietNamNet, giám đốc một bệnh viện tuyến Trung ương, cho rằng giấy chuyển tuyến là công cụ giá trị để giữ vững hệ thống y tế và phân tuyến kỹ thuật. Bởi phân tuyến kỹ thuật là việc cần làm để đảm bảo mô hình y tế bền vững, phát triển đồng đều.
“Với tình hình hiện tại của y tế Việt Nam, nếu bỏ giấy chuyển viện, chuyển tuyến, để bệnh nhân tự đăng ký đi khám ở đâu cũng được thì sẽ phá vỡ hệ thống y tế”, vị giám đốc này nói.
Theo vị chuyên gia trên, người dân thường có tâm lý lên bệnh viện tuyến trung ương vì niềm tin vào cơ sở vật chất, trang thiết bị, trình độ thầy thuốc ở tuyến trên cao hơn. Tuy nhiên, điều này lại khiến tình trạng quá tải vốn đã khiến viện tuyến cuối đau đầu lại càng đau đầu hơn.
Nếu để bệnh nhân tự đi khám không cần giấy chuyển tuyến, các bệnh viện tuyến cuối vì quá tải sẽ không thể đáp ứng hết yêu cầu của bệnh nhân nên khó quản lý; hơn nữa bệnh viện càng gặp khó trong việc dự trù, lập kế hoạch thuốc men, vật tư… Bên cạnh đó, nếu bỏ giấy chuyển tuyến, nhiều lãnh đạo bệnh viện lo lắng khi người dân tự do đổ dồn lên tuyến trên, y tế cơ sở sẽ đi về đâu khi không thể phát triển?
- Xuất hiện chùm ca COVID-19, Bình Dương khuyến cáo người dân tránh tụ tập
- Ngày 24-8, số bệnh nhân Covid-19 tại Bình Dương xuất viện cao hơn số bệnh nhân nhập viện
- Exactly what you need Know About World-wide Dating Websites
- WHO thêm hai biến thể phụ mới của Omicron vào danh sách cần theo dõi
- Ông Nguyễn Lân Hiếu được bổ nhiệm kiêm Giám đốc BV Đa khoa Bình Dương