Ngày 24-3, tại Hà Nội, Bộ Y tế tổ chức gặp mặt báo chí cung cấp thông tin y tế quý I năm 2023.
Trong quý I, Bộ Y tế đã tích cực hoàn thiện thể chế, quy phạm pháp luật; tăng cường phòng, chống dịch bệnh, kiểm soát tốt tình hình dịch bệnh không để xảy ra “dịch chồng dịch”; đạt được nhiều kết quả nổi bật trong công tác dự phòng, dược và khám, chữa bệnh.
Cụ thể, về quy chế, thể chế pháp luật, ngành ngành y tế luôn xác định nhiệm vụ “tập trung nguồn lực xây dựng hệ thống pháp luật đồng bộ, thống nhất, minh bạch lấy quyền, lợi ích chính đáng của người dân và doanh nghiệp làm trọng tâm; xây dựng bộ máy quản lý tinh gọn, hoạt động hiệu quả, nâng cao kỷ cương, kỷ luật, phòng, chống tham nhũng; tạo lập được khuôn khổ pháp lý thực hiện tốt các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội”.
Về công tác phòng, chống dịch bệnh, trong nước, dịch Covid-19 và các bệnh truyền nhiễm khác cơ bản vẫn đang được kiểm soát. Tuy nhiên nguy cơ xâm nhập, lây lan của các tác nhân gây bệnh luôn tiềm ẩn, nhất là trong bối cảnh nhu cầu giao thương, du lịch tăng cao. Một số bệnh truyền nhiễm lưu hành như tay chân miệng, sốt xuất huyết… bệnh truyền nhiễm dự phòng bằng vắc xin cũng có nguy cơ gia tăng số mắc…
Đại diện Bộ Y tế tại buổi họp báo. |
Tại buổi gặp mặt, thông tin về tình trạng khoảng 7.000 hồ sơ cấp phép trang thiết bị y tế đang tồn, nhiều hồ sơ đã nộp từ rất lâu chưa được xét, đại diện Bộ Y tế cho biết: Theo quy định của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP Bộ Y tế đã tổ chức thẩm định hồ sơ và cấp số lưu hành. Tuy nhiên, do số lượng hồ sơ nhiều, trong thời gian qua đã xảy ra một số vụ việc dẫn đến có tâm lý e ngại trong việc đọc và thẩm định hồ sơ của các chuyên gia độc lập và nguồn nhân lực trực tiếp làm công tác quản lý, xử lý hồ sơ tại Bộ Y tế (Vụ Trang thiết bị và Công trình y tế) rất thiếu (hiện chỉ có 7 chuyên viên).
Bên cạnh đó, các đơn vị đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký lưu hành được 5 lần sửa đổi, bổ sung hồ sơ kể từ ngày Bộ Y tế có yêu cầu sửa đổi, bổ sung. Qua thống kê, có hơn 90% hồ sơ đề nghị cấp số lưu hành phải đề nghị sửa đổi bổ sung; sau mỗi lần bổ sung do thủ tục này được thực hiện trên Cổng thông tin điện tử theo dịch vụ công cấp độ 4 nên doanh nghiệp có thể thay đổi toàn bộ nội dung, tài liệu đăng ký lưu hành dẫn đến việc thẩm định phải đọc lại từ đầu và trên thực tế mỗi hồ sơ đều phải đọc nhiều lần làm tăng khối lượng công việc cho các chuyên gia và chuyên viên trong khi nhân lực số lượng chuyên gia và chuyên viên còn thiếu nhiều.
Theo đại diện Bộ Y tế, trong thời gian qua, Bộ Y tế đã triển khai các giải pháp đẩy nhanh tiến độ thẩm định hồ sơ, trong đó: Đã sửa đổi, bổ sung quy trình tiếp nhận, thẩm định, cấp, hậu kiểm và thu hồi số lưu hành trang thiết bị y tế theo hướng chuyển y từ tiền kiểm sang hậu kiểm để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành trang thiết bị y tế; tham mưu Chính phủ ban hành Nghị định số 07/2023/NĐ-CP ngày 3-3-2023 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP để tháo gỡ khó khăn cho các tổ chức, cá nhân xuất nhập khẩu, kinh doanh trang thiết bị y tế, cho phép gia hạn hiệu lực của các giấy phép đã cấp đến hết ngày 31-12-2024; sửa đổi, bổ sung Thông tư số 19/2021/TT-BYT ngày 16-11-2021 của Bộ Y tế để hướng dẫn cụ thể trong việc chuẩn bị hồ sơ để đẩy nhanh tiến độ cấp số lưu hành.
Trong khuôn khổ buổi gặp mặt, Bộ Y tế đã giải đáp các câu hỏi liên quan đến tiêm chủng mở rộng; vắc xin dịch vụ; Luật khám chữa bệnh sửa đổi; tham gia thị trường thảo dược toàn cầu…
Nguồn: https://www.qdnd.vn
- Thứ trưởng Bộ Y tế kêu gọi những người khỏe mạnh hãy tham gia hiến máu cứu người
- 3 Thứ trưởng Bộ Y tế sẽ trực tiếp chỉ đạo 3 điểm tiêm đầu tiên ngày 8/3
- Bình thường hóa những hành động “chợ búa” trên sóng Quốc gia!
- Nhóm đối tượng được Quỹ Bảo hiểm y tế chi trả 100% chi phí khi đi khám chữa bệnh
- Vẫn còn người bệnh phải tự mua hóa chất, sinh phẩm vì các cơ sở y tế bị thiếu