Bộ Y tế đã có những động thái tích cực liên quan đến bức xúc và nguyện vọng của cán bộ dân số trong thời gian qua.
Mới đây, Đoàn công tác của Bộ Y tế do PGS.TS Nguyễn Thị Liên Hương – Thứ trưởng Bộ Y tế dẫn đầu đã làm việc với địa phương về công tác Dân số – Kế hoạch hóa gia đình.
Động thái này, khởi nguồn từ những phản ánh đầy bức xúc của cán bộ dân số cả nước, trên Báo Lao Động, liên quan đến việc Bộ Y tế đề nghị để Chính phủ ban hành Nghị định số 05/2023/NĐ-CP về việc sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 56/2011/NĐ-CP của Chính phủ quy định chế độ phụ cấp ưu đãi theo nghề đối với công chức, viên chức công tác tại các cơ sở y tế công lập.
Đây là một nghị định thể hiện sự quan tâm của Đảng, Nhà nước đối với nhân viên y tế dự phòng, y tế cơ sở. Tuy nhiên khi triển khai thực tế, “sự quan tâm” vô hình dung đã biến thành những giọt nước mắt ấm ức, tủi thân đối với cán bộ dân số do thiếu sự công bằng trong nhìn nhận cũng như chế độ đãi ngộ.
Trong khi thực tế, từ khi sáp nhập cán bộ dân số vào các trạm y tế xã và trung tâm y tế huyện, họ buộc phải làm nhiều việc đến mức giờ không còn biết đâu là nhiệm vụ nào chính, đâu là nhiệm vụ phụ cũng như vị trí việc làm chính xác của mình là gì?
Thứ trưởng Bộ Y tế Nguyễn Thị Liên Hương nói “như vậy là thiệt thòi cho cán bộ làm công tác dân số. Đây là do việc sắp xếp và thực hiện vị trí việc làm của địa phương chứ không phải do chính sách từ Trung ương”.
Thứ trưởng Bộ Y tế cũng hứa là “chúng tôi luôn sát cánh cùng địa phương để giải đáp, tìm cách tháo gỡ những khó khăn, vướng mắc liên quan đến lĩnh vực Bộ Y tế phụ trách và các vấn đề liên quan đến chính sách y tế do các bộ, ban ngành khác đảm nhiệm.
Nhưng mỗi địa phương cũng cần khẩn trương kiện toàn cơ cấu tổ chức, xác định đúng vị trí việc làm về thực hiện công tác dân số trên địa bàn.
Trong quá trình triển khai, tỉnh Tây Ninh tiếp tục tập hợp các khó khăn, vướng mắc từ thực tiễn vượt thẩm quyền giải quyết gửi về Bộ Y tế, để Bộ Y tế tập hợp phối hợp với các bộ, ngành liên quan báo cáo, đề xuất với Chính phủ có những tháo gỡ, chỉ đạo phù hợp”.
Liên quan đến chủ đề này, ngày 3.7, Báo Lao Động từng có bài viết “Nước mắt của cán bộ dân số và lời dạy chỉ sợ không công bằng của Bác Hồ”, nêu quan điểm rằng: Việc Bộ Y tế tham mưu để ban hành một văn bản, chính sách chưa được sát thực tế, sát đối tượng, dẫn đến bất cập cũng là chuyện bình thường trong điều hành, không có gì đáng sợ.
Điều đáng sợ nhất trong trong trường hợp này là Bộ Y tế không chịu lắng nghe cơ sở và dư luận để chủ động đề xuất thay đổi chính sách, đảm bảo sự công bằng, đảm bảo không còn những tiếc khóc tức tưởi của cán bộ dân số…”.
Giờ thì Bộ Y tế đã chịu lắng nghe cơ sở và dư luận cũng như đã có những động thái tích cực bước đầu rất đáng hoan nghênh. Nhưng hãy cho Bộ Y tế thời gian.
Bởi thay đổi, sửa, bổ sung… một chính sách đã được công bố bằng Nghị định, không phải là chuyện riêng của Bộ Y tế và cũng không phải hôm nay nói là mai làm.
Nguồn: https://laodong.vn