Chủ đề công tác năm 2020: "Tuổi trẻ Bình Dương Tự hào tiến bước dưới cờ Đảng" - Chào mừng kỷ niệm 91 năm Ngày thành lập Đảng Cộng Sản Việt Nam (03/02/1930 - 03/02/2021)

Bình Dương sẽ tiêm 1.700 liều vắc xin COVID-19 cho những đối tượng nào trong đợt 1?

(Binhduong.gov.vn) – Ngày 06/3/2021, Thứ trưởng Bộ Y tế Trương Quốc Cường đã ký Quyết định về việc phân bổ vắc xin phòng COVID-19. Theo đó, Trung tâm Kiểm soát Bệnh tật tỉnh Bình Dương được phân bổ 1.200 liều; Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Dương 500 liều để tiêm cho các đối tượng​ trong đợt 1 này.​

Cùng với tỉnh Bình Dương, 12 tỉnh, thành phố gồm: Hà Nội, Hồ Chí Minh, Hải Dương, Quảng Ninh, Hải Phòng, Bắc Ninh, Bắc Giang, Hưng Yên, Hòa Bình, Gia Lai, Điện Biên và Hà Giang cũng sẽ được triển khai tiêm vắc xin COVID-19. Thời gian triển khai: Tháng 03-04/2021. Hải Dương là địa phương đầu tiên được hỗ trợ khoảng 33.000 liều vắc xin trong đợt 1 và triển khai tiêm từ ngày 08/3.

Các đợt tiêm chủng tiếp theo sẽ được triển khai căn cứ theo tiến độ cung ứng vắc xin thực tế. Bộ Y tế hướng dẫn cụ thể theo từng đợt.

Những đối tượng được tiêm đợt 1 là lực lượng tuyến đầu phòng, chống dịch gồm: Nhân viên y tế đang điều trị bệnh nhân COVID-19; người tham gia phòng, chống dịch (thành viên Ban chỉ đạo phòng, chống dịch các cấp, người làm việc ở khu cách ly, làm nhiệm vụ truy vết, điều tra dịch tễ, Tổ COVID-19 dựa vào cộng đồng, tình nguyện viên, phóng viên, cán bộ lấy mẫu xét nghiệm); Quân đội, Công an.

Các đối tượng trên sẽ được tiêm loại vắc xin mua của Tập đoàn AstraZeneca với tổng số lượng đợt 1 là 117.000 liều.

Vắc xin AstraZeneca do Tập đoàn AstraZeneca sản xuất bởi SK Bioscience (SKBio) Hàn Quốc. Vắc xin được Tổ chức Y tế thế giới (WHO) thông qua chấp thuận sử dụng trong trường hợp khẩn cấp vào ngày 15/02/2021. Hiện tại, vắc xin AstraZeneca chỉ có hiệu lực bảo vệ 76% sau mũi 1 và 84% sau mũi 2.

Vắc xin phòng COVID-19 của AstraZeneca được chỉ định tiêm phòng cho người từ 18 tuổi trở lên.

Đối với phụ nữ có thai: Khuyến cáo tiêm vắc xin khi lợi ích của vắc xin vượt trội hơn nguy cơ tiềm ẩn cho mẹ và thai nhi chẳng hạn như đối tượng thuộc nhóm có nguy cơ phơi nhiễm cao hoặc có các bệnh đi kèm nằm trong nhóm nguy cơ cao bị mắc COVID-19 nặng.

Đối với phụ nữ cho con bú: Tiêm vắc xin nếu họ thuộc nhóm đối tượng nguy cơ. Không cần thiết ngừng cho con bú sau khi tiêm vắc xin.

Đối với người nhiễm HIV, suy giảm miễn dịch: Tiêm vắc xin nếu thuộc nhóm nguy cơ phơi nhiễm hoặc nguy cơ mắc bệnh nặng. Không cần xét nghiệm HIV trước khi tiêm.

Đối với người bị nhiễm SARS-CoV-2 trước đó: Chỉ định tiêm dù có hoặc không triệu chứng.

Đối với người đang mắc COVID-19: Tiêm sau 6 tháng khỏi bệnh. Đối với người có tiền sử điều trị trước đó bằng kháng thể kháng COVID-19: Tiêm sau 90 ngày.Đối với người từ 65 tuổi trở lên, người có bệnh nền: Cần tiêm vắc xin vì đây là nhóm có nguy cơ mắc bệnh nặng.

Phản ứng sau tiêm chủng:

 Rất phổ biến (≥10%) như đau đầu, buồn nôn, đau cơ, đau khớp, nhạy cảm đau, đau, nóng tại vị trí tiêm, ngứa, mệt mỏi, bồn chồn, sốt (rất phổ biến là sốt nhẹ và phổ biến là sốt ≥ 38 độ C), ớn lạnh.

– Phổ biến (từ 1% đến dưới 10%) sưng và đỏ tại vị trí tiêm.

– Phản ứng nghiêm trọng như sốc phản vệ, phản ứng quá mẫn muộn… có thể xảy ra sau tiêm vắc xin nhưng hiện nay WHO chưa có đầy đủ dữ liệu.

– Chưa có bằng chứng liên quan giữa các trường hợp phản ứng nghiêm trọng có liên quan đến vắc xin.

Kế hoạch tiêm vắc xin phòng COVID-19 giai đoạn 2021-2022 được triển khai dựa trên nguyên tắc huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế trên toàn quốc, cơ sở đào đạo về y tế để tổ chức chiến dịch tiêm chủng. Tổ chức triển khai tiêm chủng ngay sau khi tiếp nhận vắc xin. Đảm bảo tỷ lệ bao phủ cao, an toàn tiêm chủng và tiếp cận công bằng cho người dân.

Để triển khai thực hiện tiêm chủng đảm bảo an toàn và hiệu quả, ngày 06/3, Bộ Y tế đã có công văn khẩn gửi Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương và đề nghị Chủ tịch UBND tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quan tâm chỉ đạo Sở Y tế chủ trì, phối hợp với các sở, ban, ngành xây dựng kế hoạch sử dụng vắc xin COVID-19 tại địa phương.

Huy động tối đa các lực lượng tham gia tiêm chủng bao gồm các cơ sở y tế trên địa bàn, cơ sở đào tạo về y tế để tổ chức tiêm vắc xin COVID-19 đảm bảo an toàn và hiệu quả cho các đối tượng theo đúng quy định tại Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19; theo dõi, xử trí sự cố bất lợi sau tiêm chủng.

Đồng thời bố trí đủ kinh phí, nhân lực để triển khai tiêm chủng vắc xin COVID-19 theo Nghị quyết số 21/NQ-CP ngày 26/02/2021 của Chính phủ về mua và sử dụng vắc xin phòng COVID-19.

Tổ chức thông tin, truyền thông trên các phương tiện thông tin đại chúng, cung cấp thông tin cho cơ quan báo chí, truyền thông cho người dân và cộng đồng về đối tượng tiêm chủng, loại vắc xin phòng COVID-19, theo dõi phản ứng sau tiêm chủng.

Chỉ đạo tiếp tục triển khai thực hiện các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19 theo hướng dẫn của Ban Chỉ đạo Quốc gia phòng chống dịch COVID-19 và Bộ Y tế.

Bài viết cùng chủ đề:

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *