Tại Bình Dương, dù công tác phòng, chống dịch bệnh COVID-19 được siết chặt bên trong các doanh nghiệp, nhà máy, nhưng khi bước ra khỏi nhà máy, nhiều người lao động vẫn còn lơ là phòng chống dịch.
Nhiều người còn chủ quan
Ghi nhận của phóng viên ngày 27.4 ở các con đường nội bộ các khu công nghiệp tại thành phố Thuận An, thị xã Bến Cát, người lao động vẫn lơ là việc phòng chống dịch bệnh. Trước khi vào cổng nhà máy để làm việc, nhiều người lao động vẫn vô tư không đeo khẩu trang. Khu vực bên ngoài doanh nghiệp, nhiều tài xế đứng chờ bốc xếp hàng hóa hay người dân liên hệ công việc cũng rất chủ quan không đeo khẩu trang phòng dịch.
Tại các khu chợ Thuận Giao (TP.Thuận An) và chợ Mỹ Phước (Thị xã Bến Cát), nhiều tiểu thương và cả người lao động sau khi rời nhà máy ghé qua các khu chợ này cũng không đeo khẩu trang. Trong khi đó, khoảng cách giao tiếp giữa người bán và người mua rất gần, chỉ khoảng 50cm. Khi được hỏi vì sao không đeo khẩu trang lúc bán hàng cho khách, một tiểu thương bao biện “do nắng nóng quá và ở đây không có dịch bệnh”.
Đây đều là các khu chợ lớn, vào mỗi buổi chiều có hàng nghìn người lao động từ các khu công nghiệp đi làm về tới mua thực phẩm. Những người dân chấp hành nghiêm việc phòng chống dịch bệnh bày tỏ sự lo lắng về tâm lý lơ là của những người không đeo khẩu trang.
Anh Lê Ngọc Ánh (30 tuổi, làm việc ở khu công nghiệp Mỹ Phước 3) cho biết, công tác phòng dịch trong nhà máy thực hiện rất nghiêm túc nhưng thời gian gần đây đi ra đường nhận thấy nhiều người lao động, người dân đã dần mất cảnh giác.
“Ở nhà máy tốn nhiều công sức chi phí để phòng dịch, nhưng ra ngoài đường lại lơ là nếu xảy ra dịch bệnh thì hậu quả không biết thế nào. Trong bối cảnh dịch bệnh ở Campuchia đang gia tăng rất nguy hiểm, ở Ấn Độ thì có hàng nghìn người chết do dịch bệnh. Nếu mình chủ quan, không đeo khẩu trang phòng dịch xảy ra dịch bệnh cơ quan chức năng rất khó kiểm soát” – anh Lê Ngọc Ánh chia sẻ.
Công đoàn kêu gọi công nhân lao động hạn chế đi lại dịp lễ
Ông Trịnh Anh Tuấn – Chủ tịch Công đoàn cơ sở Công ty TNHH Hài Mỹ (có gần 6.000 công nhân đóng trên địa bàn phường Bình Chuẩn, TP.Thuận An) – nhận định, hiện nay người lao động ở Bình Dương cho rằng mình đang ở khu vực an toàn nên thường có tâm chủ quan không đề cao việc bảo vệ sức khỏe bản thân trước dịch bệnh.
Theo ông Trịnh Anh Tuấn, việc kiểm soát phòng, chống dịch bệnh ở các điểm công cộng là trách nhiệm của địa phương. Vì vậy chính quyền địa phương cần tiếp tục tăng cường nhắc nhở người dân, cũng như người lao động. Với các trường hợp không thực hiện đúng hướng dẫn phòng chống dịch bệnh thì nên xử phạt để nâng cao ý thức.
Ông Trịnh Anh Tuấn cho biết, doanh nghiệp vừa triển khai công văn về tăng cường phòng chống dịch bệnh COVID-19 của UBND tỉnh Bình Dương. Tổ chức công đoàn tuyên truyền cho công nhân lao động tiếp tục chấp hành nghiêm không chủ quan lơ là việc phòng dịch, nhất là trong thời điểm nghỉ lễ.
Hiện tỉnh Bình Dương đã ban hành công văn yêu cầu các sở, ngành, địa phương và doanh nghiệp tiếp tục nâng cao các biện pháp phòng, chống dịch COVID-19. Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương cũng chỉ đạo đề nghị công đoàn cấp trên cơ sở và công đoàn cơ sở phối hợp cùng doanh nghiệp rà soát lại công tác phòng dịch. Tiếp tục tuyên truyền đến công nhân lao động thực hiện nghiêm túc các biện pháp phòng chống dịch bệnh ở cả trong nhà máy, ngoài đường và về nhà trọ.
Bà Nguyễn Hoàng Bảo Trân – Phó Chủ tịch Liên đoàn Lao động tỉnh Bình Dương – kêu gọi công nhân lao động hạn chế đi lại dịp lễ (30.4, 1.5) nếu không cần thiết. Đặc biệt không di chuyển đến khu vực biên giới Tây Nam, giao tiếp với người nước ngoài ở biên giới. Khi trở lại nhà máy sau lễ thì khai báo y tế trung thực để phối hợp với doanh nghiệp và cơ quan chức năng phòng tránh dịch bệnh hiệu quả.
Theo Báo Lao động