Những ngày gần đây, số ca mắc Covid-19 trên địa bàn tỉnh có xu hướng tăng nhẹ trở lại khiến nhiều người lo lắng. Xung quanh vấn đề này, phóng viên Báo Bình Dương đã trao đổi với Tiến sĩ Nguyễn Hồng Chương, Giám đốc Sở Y tế để làm rõ hơn về tình hình số ca mắc mới trong những ngày vừa qua cũng như các biện pháp người dân cần thực hiện để bảo đảm an toàn phòng, chống dịch bệnh.
Tiêm vắc xin ngừa Covid-19 cho trẻ em trên địa bàn TX.Tân Uyên
– Thưa tiến sĩ, ông đánh giá như thế nào về tình hình số ca nhiễm Covid-19 trên địa bàn tỉnh trong những ngày gần đây?
– Những ngày gần đây, số ca mắc trong tỉnh có xu hướng tăng nhẹ trở lại, như: Ngày 29-10 ghi nhận 697 ca, ngày 2-11 là 780 ca và ngày 4-11 là 948 ca. Số ca mắc có xu hướng tăng nhưng tăng không đồng đều giữa các ngày, ngày 1-11 đến ngày 2-11 số ca nhiễm tăng 2 ca nhưng đến ngày 3-11 lại giảm 7 ca (773 ca nhiễm ngày 3-11). Số ca nhiễm tăng chủ yếu phát hiện trong khu vực phong tỏa chiếm 70% đến hơn 80% tổng số ca nhiễm trong ngày, phát hiện qua sàng lọc cộng đồng rất thấp, chiếm khoảng hơn 10%.
Số ca mắc tăng nhưng vẫn nằm trong mức tăng an toàn theo Quyết định số 4800/QĐ-BYT của Bộ Y tế về hướng dẫn tạm thời về chuyên môn y tế thực hiện Nghị quyết 128/NQ-CP của Chính phủ ban hành quy định tạm thời “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát hiệu quả dịch Covid-19”. Hiện toàn tỉnh có 91 xã, phường, thị trấn được chia thành 3 cấp độ dịch. Cấp 1 nguy cơ thấp (bình thường mới) tương ứng với màu xanh có 28 xã, phường, thị trấn; cấp độ 2 nguy cơ trung bình (màu vàng) có 43 xã, phường, thị trấn và cấp độ 3 nguy cơ cao (màu cam) có 20 xã, phường, thị trấn. Ngoài tiêu chí về số ca mắc mới tại cộng đồng/ số dân/thời gian thì 2 tiêu chí khác Bình Dương đã hoàn thành trong tháng 10 là tỷ lệ độ bao phủ vắc xin và bảo đảm khả năng thu dung, điều trị bệnh Covid-19.
– Số ca mắc có xu hướng tăng đã ảnh hưởng như thế nào tới công tác điều trị, thưa tiến sĩ?
– Như đã phân tích, số ca mắc toàn tỉnh tăng chủ yếu phát hiện trong khu phong tỏa. Thống kê toàn tỉnh còn 517 khu vực phong tỏa với hơn 2.000 người. Thời gian qua, hoạt động của trạm y tế lưu động tại các xã, phường, thị trấn trong các khu phong tỏa, cộng đồng đã phát huy tác dụng, giúp người dân tiếp cận nhanh nhất, sớm nhất các gói thuốc tự điều trị tại nhà, góp phần giảm thiểu tỷ lệ bệnh nhân tử vong và tiến triển nặng. Một nhân tố quan trọng góp phần giảm tỷ lệ bệnh nhân chuyển nặng, tử vong là Bình Dương đẩy nhanh tiến độ xét nghiệm và tiêm chủng vắc xin. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 97% dân số tiêm ít nhất 1 mũi vắc xin và hơn 80% dân số tiêm mũi 2. Trong quá trình điều trị chưa có bệnh nhân nào đã tiêm vắc xin phải chuyển lên tầng 3, tầng cấp cứu, hồi sức cho bệnh nhân nặng.
Thực tế qua số liệu thống kê từ hệ thống 3 tầng điều trị cho thấy, số bệnh nhân xuất viện, khỏi bệnh liên tục tăng lên, trong khi số bệnh nhân nhập viện, chuyển nặng giảm rất nhiều. Điển hình trong ngày 4-11, số bệnh nhân nhập viện là 257 người, số bệnh nhân xuất viện lên tới 456 người; ngày 2-11, bệnh nhân nhập viện 204 người và xuất viện 513 người. Toàn tỉnh đang điều trị cho 2.300 bệnh nhân nhưng chỉ có 244 bệnh nhân có triệu chứng nặng phải thở máy, thở oxy, 861 bệnh nhân có triệu chứng nhẹ (sốt, ho, đau họng…) và 1.195 bệnh nhân có sức khỏe bình thường. Hiện toàn tỉnh đã có hơn 232.300 người xuất viện, khỏi bệnh, chiếm hơn 98,3% tổng số ca mắc trong đợt dịch đợt dịch bệnh thứ 4 (hơn 236.200 ca mắc). Hệ thống 3 tầng điều trị đang phối hợp nhịp nhàng và quyết liệt triển khai các giải pháp giảm tử vong do Covid-19.
– Thưa tiến sĩ, trong xu thế vừa phòng, chống dịch bệnh vừa phát triển kinh tế, người dân cần làm gì để bảo vệ sức khỏe bản thân, gia đình và cộng đồng xã hội?
– Hiện chiến lược “bóc tách” 100% F0 ra khỏi cộng đồng để đạt mục tiêu “Zero Covid” là điều rất khó đạt được và Bình Dương cũng đang chuyển dần sang trạng thái “thích ứng an toàn, linh hoạt, kiểm soát có hiệu quả dịch Covid-19”. Các hoạt động xã hội, sản xuất, kinh doanh đang từng bước được khôi phục. Trong hoàn cảnh dịch bệnh diễn biến phức tạp, khó lường, người dân hãy kiên trì thực hiện nghiêm công thức “5K + vắc xin + xét nghiệm + công nghệ + ý thức người dân = chiến thắng đại dịch”. Do đó, mỗi người dân tuyệt đối không được chủ quan, lơ là, tránh tâm lý “xả hơi” sau thời gian giãn cách, cần nghiêm túc thực hiện nghiêm thông điệp “5K” của Bộ Y tế, liên hệ ngay trạm y tế địa phương để được tiêm vắc xin ngừa Covid-19 mũi 1, mũi 2.
Đặc biệt với những người lao động đến địa bàn tỉnh làm việc mà chưa được tiêm vắc xin cần nhanh chóng liên hệ trạm y tế xã, phường, thị trấn để được tiêm vắc xin ngừa Covid-19. Người dân phải quét mã QR tại các địa điểm đến (cơ quan, công sở, cơ sở khám chữa bệnh, quán ăn, siêu thị, trung tâm thương mại, chợ truyền thống, cửa hàng bán lẻ lương thực, thực phẩm, phương tiện công cộng, nhà máy…), tự thực hiện test nhanh kháng nguyên tại nhà hoặc tham gia test Covid-19 cộng đồng khi địa phương thông báo. Trong thời gian này, người dân nên hạn chế di chuyển, đi lại giữa các tỉnh, thành nếu không thực sự cần thiết.
– Xin cám ơn tiến sĩ!
HOÀNG LINH (thực hiện)