Bộ Y tế vừa trình Thủ tướng ban hành chỉ thị mới về phòng, chống dịch COVID-19 khi dịch bùng phát trên diện rộng, phức tạp, với sự xuất hiện của biến chủng Delta có khả năng lây lan rộng theo chùm, qua không khí.
Theo tờ trình của Bộ Y tế, đến nay cả nước đã trải qua 4 giai đoạn bùng phát dịch COVID-19, tổng số ca nhiễm bệnh ghi nhận khoảng 30.000 ca, đã có 9.878 người khỏi bệnh và 125 người chết vì dịch.
Điều đáng nói, trong 3 giai đoạn trước cả nước chỉ có hơn 1.700 ca nhiễm bệnh, riêng giai đoạn 4 bùng phát từ ngày 27-4 đến nay có khoảng 27.000 người dương tính với COVID-19.
Bộ Y tế đánh giá đợt dịch thứ 4 bùng phát có quy mô lớn, nhiều nguồn lây, nhiều chủng, ổ dịch, đặc biệt sự xuất hiện biến chủng Delta lây lan rất nhanh, nguy hiểm, làm tăng ca bệnh nặng.
Trong giai đoạn 4 dịch đã xâm nhập vào cơ sở y tế, khu công nghiệp, cơ sở sản xuất kinh doanh, cơ sở tôn giáo tập trung đông người và lây nhiễm trong cộng đồng ở các đô thị đông dân cư.
Nguyên nhân theo Bộ Y tế xác định do chủng virus Delta có khả năng lây lan nhanh, lây nhiễm theo chùm, qua không khí.
Nguồn lây trong cả 4 lần bùng dịch đều do mầm bệnh xâm nhập từ bên ngoài qua đường nhập cảnh. Từ ngày 1-1-2021 đến nay, có 513.000 lượt người nhập cảnh vào Việt Nam, trong đó có 21.000 người nhập cảnh trái phép.
Thời gian qua, Thủ tướng đã ban hành 3 chỉ thị chống dịch số 15, 16, 19, nhưng theo Bộ Y tế, với diễn biến phức tạp của dịch bệnh hiện nay, một số giải pháp chống dịch cần điều chỉnh, bổ sung, thay đổi cho phù hợp.
Dự thảo chỉ thị mới về phòng chống dịch COVID-19 kế thừa các giải pháp hiệu quả của 3 chỉ thị nêu trên, đồng thời nhấn mạnh quan điểm của Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Chính phủ, Thủ tướng về công tác phòng chống dịch theo tinh thần “chống dịch như chống giặc”, tập trung mọi nguồn lực nhằm dập dịch nhanh nhất, đưa cuộc sống người dân trở lại bình thường.
Thực hiện nghiêm phương châm “4 tại chỗ”: chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, phương tiện, vật tư tại chỗ, hậu cần tại chỗ.
Bảo đảm công bằng trong tiếp cận vắc xin, tập trung cho đối tượng ưu tiên, trước hết là khu vực sản xuất. Sau khi đạt miễn dịch cộng đồng thì chuyển sang tiêm chủng mở rộng.
Dự thảo chỉ thị mới về chống dịch COVID-19 cũng đưa ra nhiều giải pháp chống dịch. Đó là tăng cường kỷ luật chống dịch, cấp dưới phải tuyệt đối chấp hành chỉ đạo của cấp trên; căn cứ tình hình dịch bệnh địa phương có thể vận dụng linh hoạt, bổ sung các biện pháp khác phù hợp.
Các địa phương được áp dụng chỉ định thầu khi mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, thiết bị y tế chống dịch; ứng dụng công nghệ để truy vết, xét nghiệm, tiêm chủng.
Thực hiện biện pháp phòng chống dịch theo nguy cơ từng địa bàn, khu vực.
Đối với địa bàn trong trạng thái bình thường mới chỉ áp dụng nghiêm thông điệp 5K là khẩu trang, khử khuẩn, khoảng cách, không tập trung, khai báo y tế.
Địa bàn có nguy cơ bên cạnh áp dụng 5K sẽ điều tra dịch tễ trường hợp mắc bệnh để truy vết, khoanh vùng, cách ly, phong tỏa khu có người mắc bệnh.
Những khu vực có nguy cơ cao buộc phải dừng hoạt động hội họp, các sự kiện tập trung trên 20 người trong một phòng, không tập trung 10 người trở lên ngoài khu vực công sở, trường học, bệnh viện, giảm số người làm việc tại cơ quan, công sở, tăng làm việc trực tuyến.
Với địa bàn nguy cơ rất cao áp dụng phong tỏa, cách ly y tế tập trung, giãn cách xã hội 14 ngày.